Bài phát biểu thường niên mà tổng thống Mỹ trình bày tại trụ sở quốc hội, với sự quy tụ của cả ba nhánh gồm chính phủ, quốc hội và toà án tối cao, gọi là Thông điệp Liên bang. Tất cả bộ trưởng trong nội các đều đến lắng nghe tại buổi này, vốn là dịp để tổng thống điểm lại những thành tựu năm qua và trình bày phương hướng, chính sách đối nội lẫn đối ngoại trong năm tới, trừ một người.
Năm nay, người vắng mặt do được chỉ định làm "người sống sót" là Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue.
Tổng thống Trump đọc Thông điệp Liên bang năm 2018, ngồi sau ông lần lượt là những người xếp vị trí đầu tiên trong danh sách kế nhiệm. Ảnh: AP. |
'Cơ hội tấn công vàng' duy nhất trong năm
Bài phát biểu của Tổng thống Trump vừa kết thúc sáng nay 31/1 (giờ Hà Nội) tại Washington D.C. Ngồi ngay sau bục phát biểu của ông là Phó tổng thống Mike Pence và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, người đầu tiên và thứ hai trong danh sách kế nhiệm tổng thống nếu ông đột ngột bị mất năng lực thực thi chức vụ (bị bệnh nặng, qua đời hoặc từ chức).
Cùng tham dự buổi đọc Thông điệp Liên bang là phần lớn thành viên nội các, gồm ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng tài chính, bộ trưởng tư pháp được xem là 4 quan chức cao cấp nhất trong chính phủ; cùng hàng trăm nghị sĩ và thượng nghị sĩ; các thẩm phán cao cấp nhất của đất nước cùng nhiều lãnh đạo cơ quan liên bang.
Do vậy, Thông điệp Liên bang được xem là cơ hội hàng đầu để tấn công khủng bố, khi chỉ cần nhắm vào một địa điểm duy nhất mà có thể “quét sạch” được toàn bộ chính quyền.
Để ngăn ngừa nguy cơ, vào trước buổi, một quan chức trong nội các sẽ được chỉ định là “người sống sót” để sẵn sàng trở thành người kế nhiệm của tổng thống và dẫn dắt đất nước nếu một vụ khủng bố quy mô lớn khiến toàn bộ lãnh đạo thiệt mạng thực sự xảy ra. CNN cho biết cách làm này được thiết lập từ thập niên 1960 trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh vốn tràn ngập nỗi lo về một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Do “người sống sót” được chỉ định sẽ kế thừa chức tổng thống, nên ông cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn để trở thành tổng thống theo hiến pháp Mỹ, như trên 35 tuổi và phải sinh ra tại Mỹ.
Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue. Ảnh: AFP. |
Vào ngày ông Trump đọc Thông điệp Liên bang, người này là thành viên nội các duy nhất không có mặt ở quốc hội. Thay vào đó, ông được trao chế độ bảo vệ nghiêm ngặt vốn dành cho tổng thống, được di chuyển đến một địa điểm an toàn bí mật và cách xa trụ sở quốc hội.
Một sĩ quan cũng sẽ mang theo vali hạt nhân và đi cùng “người sống sót” này đến địa điểm bí mật trên.
Vì lý do an ninh, danh tính của “người sống sót” không được tiết lộ trước khi tổng thống phát biểu. Nhà Trắng chỉ xác nhận với báo chí vào vài phút trước khi sự kiện diễn ra, rằng người được chọn năm nay là Bộ trưởng Perdue. Trong danh sách thứ tự kế nhiệm tổng thống theo một đạo luật năm 1947, ông Perdue đứng thứ 9.
Trang NPR bình luận việc chọn ông Perdue có thể là cách chính quyền tỏ ra muốn dung hoà giữa hai đảng phái. Ông là một trong những bộ trưởng được thông qua thuận lợi ở Thượng viện (tỷ lệ 87 thuận, 11 chống), khi hàng chục thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã bỏ phiếu cho Perdue.
Trước đó, vào đầu năm 2017, người được lựa chọn khi ông Trump phát biểu tại quốc hội là Bộ trưởng Các vấn đề Cựu binh David Shulkin. Ông Shulkin là một trong những bộ trưởng được nể trọng nhất của chính quyền Trump. Khi bỏ phiếu phê chuẩn ở Thượng viện, ông giành được sự ủng hộ tuyệt đối với 100 phiếu thuận.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, "người sống sót" được chỉ định lần lượt là Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson (2016), Bộ trưởng Giao thông Anthony Foxx (2015), Bộ trưởng Năng lượng Ernest Moniz (2014), Bộ trưởng Năng lượng Steven Chu (2013), Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack (2012), Bộ trưởng Nội vụ Ken Salazar (2011), Bộ trưởng Phát triển Nhà ở và Đô thị Shaun Donovan (2010) và Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder (2009).
Nỗi niềm 'người sống sót'
Từ trước khi ông Bill Richardson được chọn là Bộ trưởng Năng lượng trong chính quyền Tổng thống Bill Clinton, ông luôn tham dự những buổi phát biểu Thông điệp Liên bang. Tuy nhiên, vào đầu năm 2000, ông nhận được cuộc gọi bất ngờ từ chánh văn phòng Nhà Trắng khi đó là John Podesta nói: “Anh sẽ không đến nghe buổi này”.
Ông Bill Richardson là "người sống sót" trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang cuối cùng của Tổng thống Bill Clinton. Ảnh: AFP. |
“Tôi ngỡ mình đã làm điều gì sai khiến tổng thống phật lòng. Tôi từng rất thất vọng khi không được tham dự”, ông Richardson kể trên ABC hôm 29/1. Bài phát biểu đó cũng là lần cuối cùng trước khi Clinton kết thúc nhiệm kỳ tổng thống sau 8 năm.
Tuy nhiên, Cơ quan Mật vụ tiếp xúc ông Richardson ngay sau đó. Lúc này ông mới biết mình được chọn trở thành “người sống sót” nên không thể tham gia buổi phát biểu thông điệp.
Ông Richardson cùng gia đình chuyển đến vùng Oxford, bang Maryland trong vài ngày, sinh hoạt trong một phạm vi được Cơ quan Mật vụ chấp thuận. Họ không muốn ông đến gần thủ đô nhưng cũng không được đi quá xa.
Tuy nhiên, thay vì rời đi âm thầm, một đoàn xe an ninh và y tế được phái đi hộ tống gia đình Richardson khiến người dân thị trấn rất kinh ngạc. “Cả thị trấn tưởng rằng một tình huống khẩn cấp nào đó đã xảy ra ở đây. Sự xuất hiện của tôi kéo theo khá nhiều rắc rối”, ông Richardson nhớ lại.
Sau khi Tổng thống Clinton đã trở về Nhà Trắng an toàn, đội mật vụ mới đến gặp ông đã thông báo kết thúc nhiệm vụ; sau đó họ trở về Washington. “Thú thật tôi cũng rất cảnh giác trong khoảng thời gian tổng thống phát biểu”, ông Richardson nói.
Kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001, Quốc hội Mỹ buộc phải tính toán để bố trí thêm “người sống sót” của cơ quan này. Họ sẽ được đưa đến địa điểm cách xa quốc hội trong đêm phát biểu, bảo đảm rằng cơ quan này vẫn đủ nhân sự để tiếp tục hoạt động trong trường hợp thảm hoạ xảy ra.