Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sứ mệnh Mặt Trăng chỉ là khởi đầu cho tham vọng của Trung Quốc

Hạ cánh xuống vùng khuất của Mặt Trăng chỉ là khởi đầu cho tham vọng không gian của Trung Quốc với hàng loạt dự án đang được triển khai, gồm trạm vũ trụ riêng và thăm dò Sao Hỏa.

Tàu vũ trụ Thường Nga 4 (Chang'e-4) của Trung Quốc lần đầu hạ cánh xuống vùng khuất của Mặt Trăng, nơi mà con người chưa từng khám phá. Được đặt theo tên nữ thần Mặt Trăng trong thần thoại Đông Á (Việt Nam quen gọi là Hằng Nga), con tàu mang theo xe tự hành Ngọc Thố 2 (Yutu-2) đang làm nên lịch sử khi nó ghi lại và truyền hình ảnh vùng khuất Mặt Trăng về Trái Đất.

Ngọc Thố 2 bắt đầu rời khỏi tàu Thường Nga 4 và khám phá vùng khuất của Mặt Trăng vào ngày 4/1, đánh dấu thành tựu to lớn của chương trình không gian Trung Quốc. Cuộc đổ bộ hôm 3/1 là lần đầu tiên kể từ năm 2013 loài người hạ cánh xuống vệ tinh của Trái Đất, theo CNN.

“Thành công đó đã mở ra một chương mới trong hành trình khám phá Mặt Trăng của loài người”, Cục Hàng không Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) tuyên bố. Trang bìa của báo China Daily hôm 4/1 đăng hình ảnh các nhà khoa học tại Trung tâm Điều khiển Không gian Bắc Kinh theo dõi vụ đổ bộ, cùng tấm hình đầu tiên về vùng khuất Mặt Trăng được gửi về.

Trên Twitter, Jim Bridenstine, quản trị viên Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), gọi “đây là lần đầu tiên của nhân loại và là một thành tựu ấn tượng”.

Đi sau nhưng nhanh

Trung Quốc xuất phát rất muộn trong cuộc đua vũ trụ đầu tiên của nhân loại. Họ không có vệ tinh nào phóng lên quỹ đạo cho đến những năm 1970, khi Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hạ cánh xuống Mặt Trăng.

chuong trinh khong gian Trung Quoc anh 1
Xe tự hành Ngọc Thố 2 lăn bánh trên vùng khuất của Mặt Trăng. Ảnh: Tân Hoa xã.

Vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc được phóng lên quỹ đạo vào năm 1970. Khi đó, Liên Xô và Mỹ đều có tàu vũ trụ để đưa người lên không gian và quay trở lại Trái Đất.

Song dù xuất phát chậm, chương trình không gian Trung Quốc có tốc độ phát triển rất nhanh.

Kể từ năm 2003, Trung Quốc đã đưa 6 phi hành đoàn lên vũ trụ và phóng 2 phòng thí nghiệm không gian lên quỹ đạo. Năm 2013, Bắc Kinh hạ cánh thành công xe tự hành Ngọc Thố 1 trên Mặt Trăng, trở thành quốc gia thứ 3 sau Mỹ và Nga hạ cánh trên Mặt Trăng.

Cuộc hạ cánh của tàu vũ trụ Thường Nga 4 diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, nơi mối quan tâm về kinh tế đang trở nên cấp bách, khiến nó bị hạn chế hơn so với những sứ mệnh Mặt Trăng trước đó.

Tuy vậy, sự thành công của chương trình Thường Nga 4 cùng với những ca ngợi của cộng đồng quốc tế sẽ là một sự thúc đẩy đáng kể cho chương trình không gian của Bắc Kinh. Chương trình này sẽ cần những hỗ trợ có thể nhận được trong những năm tới, khi họ cố gắng hiện thực hóa các tham vọng.

Ước mơ ấp ủ gần 50 năm

Nói chuyện với các phi hành gia trên tàu vũ trụ Thần Châu 10 vào năm 2013 bằng kết nối video, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Giấc mơ không gian là một phần trong giấc mơ giúp Trung Quốc mạnh hơn. Người Trung Quốc sẽ có những bước tiến lớn hơn để khám phá vùng không gian sâu thẳm”.

chuong trinh khong gian Trung Quoc anh 2
Tên lửa đẩy Trường Chinh 3B phóng tàu Thường Nga 4 lên không gian trong sứ mệnh chinh phục vùng khuất của Mặt Trăng. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Bắc Kinh đã đầu tư hàng chục tỷ đô vào chương trình không gian. Giai đoạn đầu tiên của chương trình phần lớn diễn ra gần Trái Đất. Vào năm 2020, sứ mệnh Mặt Trăng tiếp theo là Thường Nga 5. Nó sẽ hạ cánh trên Mặt Trăng, thu thập mẫu vật và trở về Trái đất.

Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến tiến hành sứ mệnh Mặt Trăng có người lái vào năm 2030. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ đưa người lên Mặt Trăng.

Bắc Kinh cũng đầu tư mạnh cho chương trình trạm không gian Thiên Cung, tiền thân của trạm không gian cố định mà Trung Quốc dự định sẽ ra mắt trong năm nay hoặc năm tới.

Phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2 đã được triển khai lên quỹ đạo trong 2 năm. Nó dự kiến quay trở lại Trái Đất trong một vụ phá hủy có kiểm soát vào tháng 7/2019.

“Mục tiêu chung của chúng tôi là đến năm 2030, Trung Quốc sẽ là một trong những cường quốc vũ trụ lớn của thế giới”, ông Ngô Diễm Hoa, phó cục trưởng CNSA, cho biết trong một bài phát biểu vào năm 2016.

Một số nhà phân tích cho rằng chương trình Mặt Trăng của Trung Quốc không chỉ là để khoe thành tựu công nghệ. Mục tiêu hàng đầu của chương trình là khai thác khoáng sản ở vệ tinh của Trái Đất, đặc biệt là đất hiếm, kim loại không thể thiếu trong điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử hiện đại khác.

Ngoài ra, Mặt Trăng chứa một lượng lớn helium-3, một nguyên tố hiếm có thể được sử dụng cho phản ứng tổng hợp hạt nhân. Âu Dương Tự Viễn, nhà khoa học vũ trụ nổi tiếng Trung Quốc, một trong những người quản lý chương trình Mặt Trăng, từ lâu đã ủng hộ khai thác helium-3.

"Mỗi năm, 3 chuyến tàu con thoi sẽ có thể mang về đủ nhiên liệu cho toàn bộ con người trên thế giới", ông từng nói năm 2006.

Mục tiêu hành tinh đỏ

Phát biểu với truyền hình sau cuộc đổ bộ lịch sử lên Mặt Trăng, ông Ngô Vi Nhân, nhà thiết kế chính cho chương trình Thường Nga 4, cho biết: “Bản chất của con người là mong muốn khám phá những gì thế giới chưa biết”.

Kể từ khi phi hành gia Gene Cernan bước lên tàu vũ trụ Apollo 17 và rời Mặt Trăng vào năm 1972, con người chưa từng đặt chân lên bất kỳ nơi nào khác ngoài Trái Đất. Các sứ mệnh Mặt Trăng sau năm 1972 đều được thực hiện bằng robot.

chuong trinh khong gian Trung Quoc anh 3
Sao Hỏa sẽ là mục tiêu tiếp theo trong tham vọng chinh phục không gian của Trung Quốc. Ảnh: NASA.

Robot rẻ và bền hơn, có thể quan sát và thực hiện các thí nghiệm tương tự một phi hành gia. Điều quan trọng nhất là không có rủi ro cho con người, không ai muốn trở thành quốc gia đầu tiên để lại xác chết trên Mặt Trăng.

Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là các sứ mệnh Mặt Trăng có người lái trở nên vô ích. Nó cung cấp thông tin hữu ích về cách con người có thể tồn tại trong không gian, cũng như các nguy cơ và thách thức tiềm tàng, giúp dẫn tới những tiến bộ trong khoa học.

Những tiến bộ đó là chìa khóa để đưa con người lên Sao Hỏa, một nhiệm vụ không gian khó khăn hơn nhiều. Bắc Kinh dự định thực hiện chuyến bay đầu tiên tới "hành tinh đỏ" vào cuối năm tới bằng tàu thăm dò không người lái, tiếp theo là thu thập mẫu vật từ hành tinh này.

Tuy chương trình không gian của Trung Quốc đạt được những tiến bộ lớn, Bắc Kinh vẫn còn một chặng đường dài để bắt kịp Mỹ trong cuộc đua vũ trụ. Khi Thường Nga 4 chuẩn bị hạ cánh xuống vùng khuất của Mặt Trăng, tàu thăm dò New Horizons của NASA đã gửi về Trái Đất hình ảnh tảng đá ở rìa Hệ Mặt Trời, nơi xa nhất trong vũ trụ mà nhân loại từng khám phá.

Trung Quốc tham vọng khám phá vùng tối Mặt Trăng Vệ tinh Queqiao vừa được Trung Quốc phóng thành công hôm 20/5, bước đầu tiên trong dự án Chang'e 4 đầy tham vọng nhằm khám phá và nghiên cứu khoa học tại vùng tối của Mặt Trăng.

Tàu vũ trụ TQ có chuyến hạ cánh lịch sử xuống 'phần tối' của Mặt Trăng

Tàu Hằng Nga 4 của Trung Quốc là tàu vũ trụ đầu tiên của nhân loại hạ cánh xuống "phần tối" của Mặt Trăng, được xem là một bước tiến lớn giúp nhân loại khám phá vũ trụ.

Tàu Trung Quốc gửi hình ảnh đầu tiên về vùng tối của Mặt trăng

Hình ảnh đầu tiên về phần xa của Mặt trăng đã được máy quay gắn trên tàu vũ trụ Trung Quốc gửi về không lâu sau khi hạ cánh thành công.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm