Theo South China Morning Post, bức ảnh được chụp tại vị trí gần cực Nam của Mặt trăng không lâu sau khi tàu vũ trụ Hằng Nga 4 đáp xuống Mặt trăng lúc 9h26 sáng 3/1 theo giờ Việt Nam. Bức ảnh cho thấy tàu Hằng Nga 4 đã hạ cánh xuống khu vực tương đối bằng phẳng, bên cạnh một miệng hố.
Nhà địa chất học hành tinh Long Xiao từ Đại học Khoa học địa chất Vũ Hán cho biết địa điểm được lựa chọn cho cú hạ cánh của Hằng Nga 4 nằm tại vùng lòng chảo Nam Cực - Aitken (SPA), cấu trúc địa chất sâu và cổ nhất của Mặt trăng.
Hình ảnh đầu tiên do tàu Hằng Nga 4 gửi về. Ảnh: Xinhua. |
Sau khi hạ cánh, xe tự hành được trang bị bộ thiết bị chuyên dụng có khả năng ghi chép, phân tích địa chất và các thiết bị thí nghiệm sinh học, sẽ được đưa vào hoạt động.
Nhiệm vụ của Hằng Nga 4 bao gồm quan sát các hiện tượng thiên văn bằng sóng vô tuyến, khảo sát địa hình và địa vật của vùng lòng chảo Aitken. Ngoài ra, Hằng Nga 4 cũng có nhiệm vụ phát hiện thành phần khoáng vật và cấu trúc bề mặt Mặt trăng, đo bức xạ neutron và các nguyên tử trung tính, từ đó xây dựng hiểu biết tổng quan về môi trường khu vực vùng tối của Mặt trăng.
Nhiều nghiên cứu cho rằng khu vực lòng chảo Aitken được hình thành sau một vụ va chạm thiên thể cực lớn trong giai đoạn đầu sau khi Mặt trăng hình thành. Vụ va chạm có thể đã đưa nhiều vật chất sâu dưới lòng đất lên lớp bề mặt.
Bên cạnh đó, tàu vũ trụ Hằng Nga 4 cũng tiến hành gieo trồng rau và hoa trong một thùng chứa kín khí. Đây là thí nghiệm sinh học được xây dựng bởi 28 trường đại học tại Trung Quốc.
Phương thức nhận - truyền tín hiệu từ Trái Đất tới phần xa của Mặt trăng. Đồ họa: SCMP. |
Việc hạ cánh thành công tàu Hằng Nga 4 đánh dấu sự hoàn thành giai đoạn 2 trong Chương trình Khám phá Mặt trăng, 1 trong 16 lĩnh vực công nghệ then chốt mà chính phủ Trung Quốc đặt ra.
Trung Quốc dự định sẽ phóng tàu vũ trụ Hằng Nga 5 vào năm 2020 trong giai đoạn 3 và giai đoạn 4 của Chương trình Khám phá Mặt trăng. Với khả năng trở về Trái Đất, Hằng Nga 5 có nhiệm vụ điều tra bề mặt Mặt Trăng và thu thập mẫu vật.