Ngày 6/1-7/2: Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Được nghe báo cáo về tình hình không thống nhất giữa các tổ chức cộng sản ở trong nước và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị tan rã, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm tới Trung Quốc vào ngày 23/12/1929. Người triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng họp tại Hong Kong để bàn việc hợp nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tranh chủ đề Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam của họa sĩ Phi Hoanh tại bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Hội nghị họp từ ngày 6/1. Tham dự Hội nghị có hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng (Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu), hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng (Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc.
Ngoài ra có Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn - những người Cộng sản Việt Nam đang sinh hoạt trong Đảng Cộng sản Trung Quốc làm nhiệm vụ ghi biên bản và giúp việc. Đông Dương Cộng sản liên đoàn không kịp cử đại biểu đến dự. Ngày 8/2/1930, các đại biểu về nước.
Tại hội nghị, 5 điểm lớn của chương trình nghị sự do Nguyễn Ái Quốc đưa ra được thảo luận và thông qua:
“1. Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản ở Đông Dương.
2. Định tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam.
3. Thảo Chính cương và Điều lệ sơ lược của Đảng.
4. Định kế hoạch thực hiện việc thống nhất trong nước.
5. Cử một Ban chấp hành Trung ương lâm thời gồm 9 người, trong đó có hai đại biểu chi bộ cộng sản Trung Quốc ở Đông Dương”.
Hội nghị thảo luận và tán thành ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, thông qua kế hoạch thành lập một Đảng Cộng sản lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thống nhất cách cử Ban Trung ương lâm thời gồm 7 ủy viên.
Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng; Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lời kêu gọi, do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.
Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập là mốc son đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng, là bước ngoặt của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là thành quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Từ năm 1930 đến năm 1960, 6/1 được lấy làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng. Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng quyết định lấy ngày 3/2, một ngày trong thời gian diễn ra Hội nghị thành lập Đảng, làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
[...]
Sách Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập một. Ảnh: Nguyễn Chắt. |
Ngày 18/2: Nguyễn Ái Quốc ra Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Ngày 18/2, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam ra Lời kêu gọi gửi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh, quần chúng bị áp bức bóc lột.
Người nêu rõ: “Sự áp bức và bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết. Chính vì vậy mà phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh: Công nhân bãi công, học sinh bãi khóa, nông dân đòi ruộng đất, nhà buôn nhỏ đóng cửa hàng, nhân dân cả nước đang vùng dậy chống bọn đế quốc”.
Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ những nguyên nhân làm cho cách mạng Việt Nam không thể bị tiêu diệt: “Nếu đế quốc Pháp tưởng có thể dùng khủng bố trắng hòng tiêu diệt cách mạng An Nam thì chúng đã lầm to! Một là, cách mạng An Nam không bị cô lập, trái lại, được giai cấp vô sản thế giới nói chung và giai cấp cần lao Pháp nói riêng ủng hộ. Hai là, giữa lúc cuộc khủng bố trắng lên đến đỉnh cao thì những người cộng sản An Nam trước kia chưa có tổ chức đang thống nhất lại thành một đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam, để lãnh đạo toàn thể anh chị em bị áp bức chúng ta làm cách mạng”.
Cuối cùng, Người kêu gọi: “Đảng Cộng sản An Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay, anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng ủng hộ Đảng và đi theo Đảng” để hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng đề ra.