Trong nhiều năm, Apple tránh sử dụng thuật ngữ trí tuệ nhân tạo (AI) trên các sản phẩm. Tuy nhiên, tình thế không cho phép công ty làm điều đó nữa.
Sau khi ChatGPT ra mắt cuối năm 2022, xu hướng AI tạo sinh đưa vốn hóa Nvidia vượt 3.000 tỷ USD, khiến Google, Microsoft và Amazon tức tốc điều chỉnh chiến lược. Giờ đây, mọi con mắt hướng về Apple sau nhiều năm im lặng.
Dự kiến diễn ra từ 10/6, hội nghị lập trình viên WWDC 2024 có thể chứng kiến Apple lần đầu nói về lĩnh vực gây sốt giới công nghệ những năm gần đây.
Khi các đối thủ đã hình thành hướng đi và đạt thành quả nhất định, giới phân tích và nhà đầu tư đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện năm nay, dù quy mô vốn chỉ gói gọn cho nhà phát triển ứng dụng.
Điều Apple cần chứng minh
"Đây là sự kiện quan trọng nhất với Cook và Cupertino (Apple - PV) trong hơn một thập kỷ qua.
Chiến lược AI là mảnh ghép còn thiếu trong nhiệm vụ tăng trưởng của Apple, và sự kiện lần này cần bùng nổ, không phải làm cho có", Dan Ives, nhà phân tích tại Wedbush, nói với CNBC.
Tin đồn cho biết Apple áp dụng cách tiếp cận hỗn hợp, khi một số tác vụ AI có thể xử lý trực tiếp trên máy, phần còn lại được hỗ trợ bởi máy chủ đám mây.
Người dùng trải nghiệm iPhone 15 Pro. Ảnh: Bloomberg. |
"Apple có thể tích hợp AI tạo sinh lên các ứng dụng quan trọng như Safari, Photos và Notes. Động thái này nhằm mang đến những công cụ thiết thực cho người dùng, tận dụng giữa xử lý trên máy và đám mây.
Trong khi đối thủ như Galaxy S24 và Pixel 8 có khả năng tương tự, điểm khác biệt của Apple là tích hợp tính năng AI lên những thiết bị có sẵn, tập trung vào quyền riêng tư", nhà phân tích Michael Ng của Goldman Sachs cho biết.
Bên cạnh khả năng hoạt động, quyền riêng tư cũng là chủ đề được quan tâm. Các mô hình ngôn ngữ nổi tiếng "ngốn" dữ liệu, trong khi Apple mất nhiều năm tạo dựng hình ảnh công ty bảo mật, đề cao quyền riêng tư.
Gil Luria, nhà phân tích phần mềm tại D.A. Davidson, kỳ vọng Apple sẽ công bố tầm nhìn lâu dài nhằm tích hợp AI tạo sinh lên hệ sinh thái thiết bị của công ty.
Các mẫu iPhone 15 trưng bày tại cửa hàng. Ảnh: Bloomberg. |
"Chúng tôi tin rằng tác động của AI tạo sinh lên hoạt động kinh doanh của Apple là một trong những ảnh hưởng lớn nhất.
Khác với những thành tựu AI trước đây thường tác động lên nhà phát triển hay doanh nghiệp, Apple có cơ hội rõ rệt nhằm mang AI tạo sinh đến hàng tỷ thiết bị tiêu dùng", Luria nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nhà phân tích Dan Ives dự đoán Apple sẽ đặt nền móng cho "AI App Store", kho ứng dụng gồm các công cụ AI, đóng góp doanh thu cho mảng dịch vụ những năm tới. Ông cũng dự đoán AI sẽ là điểm nhấn của iPhone 16 nhằm khuyến khích người dùng nâng cấp.
Apple cần thận trọng
Tháng trước, OpenAI ra mắt bản cập nhật GPT-4o với khả năng xử lý giọng nói, văn bản lẫn hình ảnh.
Trong đoạn demo ngắn, các nhà nghiên cứu của OpenAI cầm một chiếc iPhone, nói chuyện với chatbot trong ChatGPT. Cuộc trò chuyện sôi nổi khi phần mềm sở hữu giọng như con người, có thể hát, dạy toán, kể chuyện cười và khuyên nhủ.
Người dùng và giới công nghệ cho rằng đây là những gì Siri có thể làm trong tương lai. Dù ra mắt 13 năm, trợ lý giọng nói của Apple vẫn cứng nhắc, chỉ trả lời một số truy vấn với thông tin cụ thể, do sử dụng kỹ thuật máy học cũ.
Theo New York Times, Apple có thể hợp tác với OpenAI để cải tiến Siri. Táo khuyết cũng đàm phán sử dụng công nghệ chatbot từ những công ty khác, như Google và Cohere.
Đại diện OpenAI trình diễn các tính năng mới của mô hình GPT-4o bằng iPhone. Ảnh: OpenAI. |
Giới phân tích cho rằng Siri mới của Apple sẽ không cạnh tranh trực tiếp ChatGPT hay Gemini, nhưng có thể cải thiện các tính năng hiện có.
Ngoài ra, Táo khuyết có thể không đi sâu vào mối quan hệ đối tác với OpenAI, bởi chatbot hoạt động kém sẽ gây tổn hại danh tiếng cho công ty.
"Bảo mật dữ liệu sẽ là lợi thế cạnh tranh chính cho Apple, chúng tôi hy vọng họ cũng dành thời gian nói về quyền riêng tư tại WWDC", nhà phân tích Atif Malik của Citi cho biết.
Theo Bloomberg, loạt tính năng AI của Apple sẽ có tên Apple Intelligence, thời gian đầu chỉ ra mắt dưới dạng thử nghiệm (beta). Dù Apple bị đánh giá tụt hậu trong cuộc đua AI, việc phát hành tính năng thận trọng được đánh giá hợp lý.
Các mô hình ngôn ngữ lớn vẫn gặp sai sót, tiêu biểu khi Gemini của Google từng nói "Barack Obama là tổng thống Mỹ Hồi giáo đầu tiên". OpenAI vướng tranh cãi khi Scarlett Johansson cho rằng giọng của cô bị dùng trái phép trong ChatGPT. Theo CNBC, đó là những vấn đề Apple không muốn xảy ra.
Cách tiếp cận của Apple
Hầu hết mô hình AI phụ thuộc các trung tâm dữ liệu lớn, sử dụng card đồ họa "khủng" của Nvidia và bộ nhớ hàng TB để tính toán. Trong khi đó, Apple muốn AI chạy trực tiếp trên iPhone, iPad và máy Mac, những thiết bị dùng pin hoặc điện thông thường.
Trong buổi báo cáo tài chính hồi tháng 5, CEO Tim Cook khẳng định chip của Apple "vượt trội" để chạy mô hình AI.
"Chúng tôi có những lợi thế mang đến khác biệt trong kỷ nguyên mới này, gồm sự kết hợp độc đáo, liền mạch của Apple với phần cứng, phần mềm và tích hợp dịch vụ, bên cạnh chip Apple Silicon đột phá, hệ thống mạng thần kinh đầu ngành và sự tập trung kiên định cho quyền riêng tư", Cook cho biết.
Trong bài phân tích đầu tháng 6, Samik Chatterjee, nhà phân tích tại JPMorgan, kỳ vọng bài thuyết trình của Apple "tập trung vào các tính năng chạy trên thiết bị, cũng như mô hình AI tạo sinh hoạt động trên máy cho những tính năng ấy".
Hiệu ứng của Siri khi nhận câu lệnh từ người dùng. Ảnh: Gear Patrol. |
Cuối tháng 4, Apple công bố nghiên cứu về các "mô hình ngôn ngữ hiệu quả", có thể chạy trên điện thoại. Ít ngày trước, Microsoft cũng chia sẻ bài nghiên cứu về khái niệm tương tự.
Theo đó, một trong những mô hình "OpenELM" của Apple có 1,1 tỷ tham số, nhỏ hơn nhiều so với GPT-3 (175 tỷ tham số) và Llama của Meta (70 tỷ tham số).
Trong bài nghiên cứu, chuyên gia của Apple dùng công cụ đánh giá các mô hình trên MacBook Pro M2 Max, kết quả cho thấy chúng không nhất thiết kết nối đám mây để hoạt động hiệu quả.
Điều đó giúp cải thiện khả năng phản hồi và bảo mật, bởi một số câu hỏi nhạy cảm có thể xử lý trên chính thiết bị thay vì gửi lên máy chủ.
Theo Bloomberg, một số tính năng AI của Apple có thể cần kết nối máy chủ như tóm tắt tin nhắn bị bỏ lỡ, tạo emoji tùy chỉnh, hoàn thành mã trong Xcode và soạn thảo nội dung trả lời email. Máy chủ dùng chip M2 Ultra để xử lý truy vấn.
WWDC còn gì để chờ đợi?
Tất nhiên, WWDC 2024 không chỉ tập trung vào AI. Những cải tiến, ứng dụng mới trong iOS 18, macOS 15 vẫn là yếu tố được người dùng quan tâm.
Một trong các thay đổi được chờ đợi là chuẩn nhắn tin RCS. Hiện nay, ứng dụng nhắn tin của Apple chuyển nội dung giữa người dùng iPhone sang hệ thống iMessage, tin nhắn được hiển thị với nền xanh dương.
Trong khi đó, nếu người dùng iPhone nhắn tin với thiết bị Android, tin nhắn có nền xanh lá, thiếu nhiều tính năng như gửi ảnh độ phân giải cao, xem trạng thái đọc tin...
Người dùng trải nghiệm kính Vision Pro. Ảnh: Bloomberg. |
Google là cái tên tích cực kêu gọi áp dụng RCS lên mọi thiết bị di động. Cuối năm ngoái, Apple xác nhận sẽ áp dụng RCS bên cạnh iMessage. Màn ra mắt iOS 18 là thời điểm hợp lý cho thay đổi này.
Sự kiện sắp tới cũng đánh dấu một năm ra mắt kính thực tế hỗn hợp Vision Pro. Sau 4 tháng bán tại Mỹ, Apple có thể công bố mở rộng thiết bị sang những quốc gia khác, gồm Trung Quốc và Vương quốc Anh.
Trong bài đăng ngày 5/6, nhà phân tích Ming-Chi Kuo dự đoán doanh số Vision Pro có thể đạt 400.000-450.000 trong năm nay. Những tính năng mới trong hệ điều hành visionOS cũng sẽ xuất hiện vào ngày 10/6.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn