Năm 2016 đang dần khép lại với nhiều sự kiện kinh tế nổi bật.
Năm quốc gia khởi nghiệp
“Khởi nghiệp” đã trở thành từ khoá của năm 2016. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, với một loạt hỗ trợ như co-working space, các hoạt động đào tạo, cơ chế thuế đặc thù, góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Cộng đồng khởi nghiệp đón tin vui từ Chính phủ. Ảnh minh hoạ. |
Mục tiêu của đề án là đến năm 2020 hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Có 100 doanh nghiệp tham gia đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục
2016 cũng chứng kiến làn sóng doanh nghiệp mới thành lập nhiều chưa từng có.
Kỳ tích đã được thiết lập khi lần đầu tiên, trong năm 2016, Việt Nam có 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 16,2% so với năm 2015. Số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689 doanh nghiệp, tăng 43,1%.
Số doanh nghiệp thành lập mới qua các năm. Đồ họa: Kiều Vui.
|
Việt Nam cũng tăng 9 bậc về môi trường kinh doanh trong năm nay theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nhờ cải thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, nộp thuế, tiếp cận điện năng… Tuy nhiên, về năng lực cạnh tranh Việt Nam lại tụt hạng (theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới).
Thoái vốn Nhà nước quyết liệt tại các “ông lớn”
Năm 2016, Nhà nước cũng đã thực hiện thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp lớn. Điển hình có thể kể đến thương vụ đấu giá cổ phần của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Ngày 12/12/2016, SCIC đã chào bán 130,6 triệu cổ phiếu của Vinamilk, tương ứng 9% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Đây là thương vụ lớn được nhiều người kỳ vọng.
Thoái vốn đầu tư ngoài ngành năm qua cũng đã đạt những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.646 tỷ đồng, thu về 6.840 tỷ đồng. Nếu tính cả phần vốn thu về từ cuộc đấu giá cổ phần Vinamilk thì tổng số tiền Nhà nước nhận được là hơn 18.200 tỷ đồng.
Năm 2016 đã có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị phương án cổ phần hóa được phê duyệt là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỷ đồng.
Thảm hoạ môi trường Formosa gây ra
Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đối diện với thảm họa môi trường, cá biển chết hàng loạt từ khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) kéo dài 200 km bờ biển miền Trung. Có đến 39.000 ngư dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế mất việc, tàu thuyền nằm bờ suốt 8 tháng. Ngành khai thác thủy sản giảm 20% sản lượng, khiến GDP cả nước tăng dưới 6% sau 9 tháng.
Thủ phạm được chỉ ra là chất thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã hủy diệt hệ sinh thái một vùng đáy biển. Lãnh đạo công ty này đã cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam, bồi thường thiệt hại 500 triệu USD.
Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam
Tháng 5, Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên trong hai nhiệm kỳ.
Tổng thống Mỹ đã gặp gỡ, hội đàm với các lãnh đạo Việt Nam, có bài phát biểu quan trọng về quan hệ Việt - Mỹ, tiếp xúc với thành viên Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) và cộng đồng doanh nhân.
Ông Obama phát biểu trước giới trẻ Việt. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Tổng thống Obama cũng đã đến nói chuyện với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam tại không gian sáng tạo Dreamplex, quận 1. Đây được xem là nơi hội ngộ cho những người theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp tại Việt Nam.
Trong chuyến thăm, ông Obama cũng tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, quyết định được đánh giá mang tính bước ngoặt trong mối quan hệ Việt - Mỹ, góp phần nâng cao và làm sâu sắc thêm niềm tin chiến lược giữa đôi bên, đưa quan hệ đối tác toàn diện đi vào thực chất.
Nông nghiệp gặp khó do thiên tai
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, 2016 là một năm khó khăn với ngành nông nghiệp.
Nguyên nhân do thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, hạn hán diễn ra liên tục. Riêng đối với thuỷ sản, ngoài những khó khăn như rét đậm, rét hại ở những tháng đầu năm thì tình trạng ô nhiễm nguồn nước hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, thì sự cố Formosa cũng ảnh hưởng rất nhiều.
6 tháng đầu năm 2016, nông nghiệp tăng trưởng âm. Tuy nhiên, kết quả cả năm 2016, ngành vẫn có tăng trưởng. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%. Giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 1,44%.
Tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu
Kinh tế Việt Nam đã có năm khởi động kế hoạch 2016-2020 không thuận lợi khi tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến chỉ đạt 6,3-6,5%, so với chỉ tiêu 6,7% cũng như mục tiêu trung bình của nhiệm kỳ 6,5-7%.
Nguyên nhân kìm hãm đà tăng trưởng là sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp chịu ảnh hưởng của thiên tai, sự cố môi trường và giá cả hàng hóa trên thế giới… Những yếu tố này cũng khiến xuất khẩu toàn nền kinh tế không đạt mục tiêu tăng trưởng 10%.
Nước mắm nhiễm asen
Ngày 17/10, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát 150 mẫu nước mắm của 88 thương hiệu trên toàn quốc. Theo kết quả này, có đến 101/150 mẫu, tức 67% mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu asen (thạch tín).
Điều đáng chú ý, các mẫu có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng. 95% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên có hàm lượng asen vượt ngưỡng quy định.
Kết quả khảo sát của Vinatas ảnh hưởng đến nước mắm truyền thống. Ảnh: Đình Hoà. |
Tuy nhiên, chiều 22/10, Bộ Y tế chính thức công bố kết quả thanh tra và kiểm nghiệm nước mắm tại thị trường 5 tỉnh, thành phố. Theo đó, 100% mẫu nước mắm không phát hiện asen vô cơ vượt ngưỡng.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/11, Bộ Công Thương cho hay Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy tài trợ cho cuộc khảo sát nước mắm của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).
Theo giới luật sư, cần làm rõ mục đích tài trợ của T&A Ogilvy là gì, ai là chủ thể đứng sau Vinastas và T&A Ogilvy. Nếu không tìm ra được chủ thể đứng sau Vinastas và T&A Ogilvy thì việc xử lý sẽ không có tác dụng răn đe, ngăn ngừa những cuộc cạnh tranh không lành mạnh trong tương lai.
TPP không được thông qua
TPP là hiệp định thương mại tự do được kỳ vọng nhất với mong muốn đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu và thay đổi cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Theo tính toán, TPP thông qua sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025; xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.
Sau khi Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, TPP đi vào ngõ cụt vì vị này thế hiện rõ sự hướng nội và có thái độ không thân thiện với tự do hoá thương mại.
Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành đều khẳng định dù không có TPP Việt Nam vẫn hội nhập sâu rộng, phát triển mạnh mẽ.