Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Tuấn Anh: Tôi chịu trách nhiệm nếu Cà Ná có hệ lụy

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định ông sẵn sàng chịu trách nhiệm và từ chức khi hệ luỵ dự án Hoa Sen - Cà Ná xảy ra.

Trao đổi với báo chí chiều 30/12, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay nhiều người nói dự án thép Hoa Sen - Cà Ná có biểu hiện lợi ích nhóm, hy sinh lợi ích xã hội về môi trường, bền vững để đánh đổi cho một dự án. Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh, Bộ đã nhiều lần khẳng định trên các cơ sở dữ liệu, dự án này phù hợp với thực tiễn, yêu cầu phát triển.

Theo Bộ trưởng, quy hoạch ngành thép là quy hoạch mở, luôn có điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển và công nghệ. Chủ trương phát triển dự án thép Cà Ná được xem xét đầy đủ, khách quan và toàn diện.

Ông cho rằng Việt Nam hiện nay là một đất nước gần 100 triệu dân, đang trong giai đoạn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu sản phẩm thép và nguyên liệu sản xuất thép. Chính điều này gây ra nhập siêu, mất cân đối nghiêm trọng. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thép từ tài nguyên tới giao thông, hạ tầng, có điều kiện thuận lợi tiếp cận công nghệ đảm bảo môi trường, nguồn lực về nhân lực để phát triển. Vì vậy, theo Bộ trưởng, sẽ là bất hợp lý nếu không tính tới phát triển thép.

Bo truong Cong Thuong san sang tu chuc anh 1
Bộ trưởng Công Thương cho hay ông sẵn sàng từ chức nếu Hoa Sen - Cà Ná hệ luỵ. Ảnh: Anh Tuấn.

"Chúng tôi khẳng định không phải lợi ích nhóm hay bảo thủ bất chấp môi trường để phát triển dự án mà đó là quan điểm phát triển. Tuy nhiên, Bộ Công Thương luôn tiếp cận cởi mở, cầu thị, có trách nhiệm với tất cả những luồng dư luận về dự án này và quy hoạch này", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng cho rằng dự án thép Cà Ná đã được bổ sung vào quy hoạch để thay thế một dự án cũ đã bị loại đi và mới chỉ dừng ở điều chỉnh quy hoạch, chưa xem xét chủ trương đầu tư.

Một dự án từ khi xem xét đến khi được hình thành, thẩm định, phê duyệt và đầu tư phải qua một bước rất dài và phải được sự phê duyệt của nhiều cơ quan chức năng. Việc nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, đánh giá tác động môi trường, và hàng loạt bước khác phải được tiến hành, sau đó mới được thực hiện, xem xét.

Trả lời câu hỏi mới đây đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng rằng Bộ trưởng có dám từ chức không nếu để xảy ra vấn đề về dự án Cà Ná, người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định nếu để xảy ra hệ luỵ xấu, ông sẵn sàng chịu trách nhiệm.

"Trước khi là Bộ trưởng, tôi cũng là người dân, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Là Bộ trưởng, trách nhiệm còn cao hơn. Kể cả xem xét từ chức tôi cũng không e ngại, sẵn sàng chịu trách nhiệm với những thiệt hại gây ra với nhân dân, đất nước", ông Tuấn Anh khẳng định.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công Thương, điều quan trọng là Bộ trưởng và Bộ Công Thương phải bằng mọi cách nỗ lực để đảm bảo không xảy ra bất kỳ hệ luỵ nào bởi nếu xảy ra thì lúc ấy cũng không thể ngồi tính với nhau là hình thức xử phạt như vậy phù hợp chưa.

Bộ trưởng cũng khẳng định rằng nếu không có Cà Ná thì sẽ có thép ở Dung Quất và nếu không có dự án công nghiệp nào thì đất nước không phát triển được. Nếu chúng ta sợ những hệ luỵ đang mường tượng gắn với sự thiếu trách nhiệm trong quản lý thì cũng không thể làm gì được.

"Một đất nước không thể phát triển bằng hạt muối của Cà Ná và hạt thóc của Tây Nam Bộ, không có nền công nghiệp có phát triển được không? Nếu chúng ta sợ thì không làm được gì...", Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói.

Đề xuất đưa dự án thép Cà Ná vào quy hoạch ngành

Dự án thép ven biển Ninh Thuận xuất hiện trong danh mục quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2035 của Bộ Công Thương.




Kiều Linh

Bạn có thể quan tâm