1. Hoàn tất đàm phán TPP
Sau hơn 5 năm đàm phán tích cực, hiệp định thương mại giữa 12 thành viên châu Á - Thái Bình Dương đã chính thức ký kết vào ngày 5/10. Được xem là hiệp định của thế kỷ, TPP quy tụ các quốc gia đang nắm giữ tới 40% GDP toàn cầu, và có thể giúp kinh tế toàn cầu gia tăng thêm 300 tỷ USD mỗi năm.
Sau hơn 5 năm đàm phán, Bộ trưởng thương mại 12 nước thành viên đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ảnh: Nydailynews. |
Theo kế hoạch, TPP có thể được ký kết trong quý I/2015, và chính thức có hiệu lực trong 18-24 tháng sau khi đàm phán hoàn thành. Việt Nam được đánh giá là quốc gia được hưởng nhiều lợi ích từ TPP nhất, do là nền kinh tế có trình độ thấp nhất trong nhóm.
Tuy vậy, với tính chất mở cửa sâu rộng với các tiêu chuẩn cao về kỹ thuật và xuất xứ nội khối, hiện định cũng mang tới nhiều thách thức cho các quốc gia tham gia.
2. Nhân dân tệ chính thức vào giỏ tiền tệ IMF
Quyết định đưa đồng tiền của nền kinh tế lớn nhất châu Á vào danh sách các đồng tiền quy đổi của Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - loại tiền tệ quy ước của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) được đưa ra vào ngày 1/12.
Đây là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực 5 năm của Trung Quốc trên con đường tăng cường ảnh hưởng quốc gia lên nền kinh tế toàn cầu, và cũng là thành quả sau thời gian dài Chính phủ nước ngày duy trì chính sách đồng nội tệ yếu, hướng tới thả nổi.
Sau rất nhiều nỗ lực, Chính phủ Trung Quốc cũng đạt được mục tiêu khi đồng nhân dân tệ chính thức được đưa vào rổ tiền tệ của IMF. Ảnh: Bloomberg. |
Tuy nhiên, việc đưa nhân dân tệ vào giỏ SDR không phải là điều kiện cần hay đủ để nó được coi là đồng tiền dự trữ đúng nghĩa, mà Trung Quốc còn phải trải qua con đường quốc tế hóa đồng nội tệ với trở ngại về kinh tế, bao gồm biến động giá tài sản khắc nghiệt. Ngoài ra, yêu cầu về nguồn cung tiền tự do, không hạn chế, được các quốc gia chấp nhận trở thành tài sản dự trữ quốc gia cũng là yêu cầu đối với một đồng SDR mạnh.
3. Khủng hoảng thị trường tài chính toàn cầu từ ngọn lửa tại Trung Quốc
Tháng 6/2015, chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc Shanghai Composite Index thiết lập mức đỉnh cao nhất lịch sử. Nhưng chỉ một tháng sau đó, chứng khoán nước này mất một nửa số điểm tích lũy.
Thứ hai ngày 24/8, hơn 800 cổ phiếu giảm kịch sàn biên độ 10% trên sàn Thượng Hải khiến chỉ số này xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007, xóa sạch thành quả tăng điểm từ đầu năm. Kết quả này đi ngược lại với tất cả nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc khi chi tới 6.000 tỷ USD để vực dậy thị trường.
Cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu từ tháng 7/2015 đã gây hậu quả trên diện rộng đối với chính quốc gia này, cũng như thế giới. Ảnh: Reuters. |
Tác động của thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng khiến các quốc gia khác chịu ảnh hưởng mạnh. Chứng khoán châu Âu mất điểm sâu nhất kể từ năm 2008, khi chỉ số European Stoxx 600 của 18 nước thuộc liên minh châu Âu mất 6% chỉ trong buổi sáng thứ hai. Khoảng 91 tỷ bảng (tương đương 150 tỷ USD) đã bốc hơi khỏi nhóm cổ phiếu thuộc FTSE 100 - nhóm cổ phiếu của 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London.
Chứng khoán Mỹ tiếp diễn ngày thứ hai đen tối của thị trường toàn cầu ngay khi tiếng chuông mở cửa trên sàn New York. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm, đánh dấu một trong những lần lao dốc lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ nhiều năm trở lại đây.
Sau đợt suy giảm vào tháng 8, thị trường chứng khoán Trung Quốc còn chứng kiến những cơn sốc chỉ số vào tháng 9 và mới đây là tháng 11.
4. Giá dầu chạm đáy 7 năm
Đúng như lo ngại của các nhà dự báo, giá dầu thô những phiên cuối năm 2015 đã dò đáy ở mức dưới 40 USD một thùng, thấp nhất trong 7 năm. Sự kiên quyết của thể chế nắm giữ phần lớn nguồn cung dầu thô của thế giới là OPEC về việc giữ nguyên lượng khai thác để duy trì thị phần áp đảo đã khiến thị trường chịu cảnh cung vượt quá cầu, và giá giảm là hệ quả tất yếu.
Giá dầu chạm đáy do thị trường lo ngại dư thừa nguồn cung khi OPEC đạt sản lượng cao kỷ lục trong tháng 7/2015. Ảnh: Reuters. |
Thay vì tạo ra động lực đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu, giá dầu giảm lại khiến nhiều quốc gia lâm vào tình cảnh "tổn thương", phát triển lệch. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc ngành năng lượng, vận tải chịu áp lực giảm giá chứng khoán, trong khi các ngành sản xuất có cơ hội bứt phá. Với cú sốc giá dầu, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 1,22% trong quý IV/2015 và giảm 0,68% trong năm 2016.
5. Nhật Bản thoát suy thoái, Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất 6 năm
Trái với lo ngại ban đầu, nền kinh tế lớn thứ hai châu Á cuối cùng cũng thoát khỏi suy thoái về mặt kỹ thuật, khi đạt mức tăng trưởng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp, vốn đóng góp khoảng 60% GDP của Nhật Bản, chỉ tăng 0,4% trong quý III so với quý trước, trong khi mức tăng trong báo cáo sơ bộ là 0,5%.
Kinh tế Nhật Bản đối mặt với bài toán khó khăn khi liên tục giảm phát. Ảnh: Reuters. |
Bất chấp con số khả quan về kỹ thuật, giới chức Nhật Bản vẫn phải tiếp tục theo đuổi chính sách kích thích kinh tế với mức bổ sung ngân sách dự kiến lên tới 24 tỷ USD. Ngoài ra, Chính phủ nước này cũng phải nỗ lực để đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong năm nay, sau thời gian dài Nhật Bản rơi vào giảm phát khiến nền kinh tế trì trệ, sức mua xuống thấp vì người dân găm giữ tiền thay vì tiêu xài.
Ngược lại với tình hình của Nhật Bản, Trung Quốc lại có mức tăng trưởg quý III thấp nhất trong 6 năm sau khi con số được Cục Thống kê của nước này đưa ra chỉ là 6,9%. Nếu so với thời hoàng kim có mức tăng trưởng luôn đạt 2 con số, mức tăng của nền kinh tế Trung Quốc có thể nói đã rơi vào trạng thái báo động.
Sản lượng sản xuất của Trung Quốc chỉ tăng 5,7%, thấp hơn mức dự báo ban đầu 6%. Mức đầu tư tài sản cố định (FAI), một động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm, chỉ tăng 10,3% trong 9 tháng đầu năm, dù ước tính trước đó lên tới 10,8%.
Các nhà lãnh đạo của nước ngày trấn an giới đầu tư về mối lo ngại "hạ cánh cứng" của nền kinh tế, và cam kết sẽ thực hiện song song nhiều biện pháp nhằm đảm bảo mọi biến động sẽ nằm trong vòng kiểm soát.
6. Yahoo đứng trước nguy cơ sụp đổ
Ông hoàng Internet một thời thoi thóp và đối mặt với cái chết chậm rãi đầy đau đớn, khi phải cân nhắc bán đi những mảng miếng kinh doanh cốt lõi của mình, bao gồm Flickr, Tumblr và cả Yahoo.com. Thay vào đó, công ty này kiên quyết giữ lại cổ phần ở Alibaba, phần tài sản có giá trị tới 30 tỷ USD vào thời điểm này.
Yahoo nhận "quả đắng" sau thời gian dài lạc lối trong mục tiêu dài hạn. Ảnh: Chronicle. |
Quyết định của Yahoo có thể gây ngạc nhiên và tổn thương cho nhiều fan hâm mộ, nhưng phù hợp với tính hình thực tế của công ty này. Nếu so sánh một cách công bằng, Yahoo có vốn hóa khoảng 31 tỷ USD, trong khi cổ phần Alibaba mà họ nắm giữ, cùng vốn hóa của Yahoo Japan lên tới 38 tỷ USD, tức là mảng kinh doanh Internet của hãng vô giá trị.
Nói cách khác, Yahoo buộc phải trở thành cái bóng của chính mình trước kia - công ty tìm kiếm có lượng truy cập lớn thứ hai thế giới - để tránh khoản thuế lên tới 100 triệu USD, cũng như làm hài lòng những cổ đông hiện hữu.
7. Bill Gates mất ngôi vị giàu nhất thế giới trong 30 phút
Ngày 23/10, ngôi vị người giàu nhất thế giới của bảng xếp hạng uy tín Forbes đã đổi chủ trong 30 phút, khi tài sản của tỷ phú Tây Ban Nha Amancio Ortega có thời điểm vượt 80 tỷ USD, vượt qua Bill Gates. Nguyên nhân là do giá cổ phiếu của Inditex có lúc đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, chạm ngưỡng 33,99 EUR trước khi rơi trở lại 33,8 EUR.
Tỷ phú lập nghiệp ở tuổi 40 của Zara đã phủ sóng diện rộng trên các bảng xếp hạng người giàu thế giới nhờ một năm bứt phá. Ảnh: The Guardian. |
Vụ soán ngôi này đánh dấu lần thứ 3 trong suốt 20 năm qua, danh hiệu người giàu nhất thế giới rơi khỏi tay Bill Gates. Trước Amancio Ortega, Warren Buffett và Carlos Slim Helú là 2 cái tên đã từng được xướng lên trước ông chủ Microsoft trong danh sách tỷ phú của Forbes.
Năm 2015 cũng đánh dấu lần đầu tiên Bill Gates ra khỏi danh sách doanh nhân dù ngày càng tiến xa trong bảng xếp hạng những người quyền lực thế giới của Forbes. Thay vào đó, vị tỷ phú này đứng thứ 6 trong danh sách với những hoạt động gắn liền với quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates, một tổ chức thúc đẩy công bằng, quan tâm đến quyền con người, cũng như rót tiền cho các phát minh thuốc chống lại những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới.
8. Zimbabwe đổi tiền
Trong nỗ lực ngăn chặn siêu lạm phát, Chính phủ Zimbabwe đã thực hiện chiến dịch khai tử đồng nội tệ từ ngày 15/6. Theo đó, với các tài khoản ngân hàng có số dư từ 0 đên 175 triệu tỷ đôla Zimbabwe sẽ được nhận một khoản tiền đồng hạng 5 USD. Với những tài khoản có số dư cao hơn, mỗi 35 triệu tỷ đôla Zimbabwe sẽ được đổi lấy 1 USD.
Đồng nội tệ của Zimbabwe bị xóa sổ trong nỗ lực ngăn chặn lạm phát của Chính phủ. Ảnh: CNN. |
Tuy nhiên, chiến dịch này vấp phải sự phản đối của nhiều người dân, những triệu tỷ phú nghèo đói của Zimbabwe, với lý do mức quy đổi không hợp lý. Bởi nếu bán lẻ cho các nhà sưu tập, mỗi đồng 100.000 tỷ đôla Zimbabwe tiền mặt có thể mang lại cho chủ sở hữu 10-35 USD, trong khi Chính phủ chỉ đổi ngang giá 0,4 USD.