Tiền nóng” (hot money) là thuật ngữ không chính thức, chỉ những khoản vốn đầu cơ ngắn hạn luân chuyển giữa các thị trường tài chính, để thu lợi nhiều nhất và nhanh nhất, do sự chênh lệch tỷ giá và lãi suất.
Dòng vốn này khi chảy mạnh vào một nền kinh tế (tiếng Anh gọi là capital flows), có khả năng thúc đẩy lạm phát, phá giá đồng bạc và khi rút ra đồng loạt (gọi là capital flight/capital outflows), có thể gây bất ổn, thậm chí sụp đổ cả hệ thống tài chính của một hoặc nhiều quốc gia, như trường hợp cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998.
Dòng tiền nóng được ước tính dựa trên hoạt động mua bán ngoại tệ của các ngân hàng, cũng như sự thay đổi trong các khoản tiền gửi, dự trữ bằng ngoại tệ. Con số này bao gồm cả số tiền mà những nhà xuất khẩu kiếm được và cất giữ ở nước ngoài thay vì trong nước.
Cần nhắc lại, trong khoảng thời gian 2006 - 2014, quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần, lên mức 4.000 tỷ USD. Số tiền này đến từ thặng dư thương mại, tiền đầu tư dài hạn bằng ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài và một phần trong số đó là tiền nóng, đến từ các nhà đầu tư trên toàn cầu trông đợi vào lợi suất trái phiếu thích hợp hoặc các chứng khoán hứa hẹn mang lại lợi nhuận nhanh chóng.
Giai đoạn này, Trung Quốc chính là “thiên đường” đối với dòng tiền nóng, khi có đồng nội tệ mạnh và thị trường chứng khoán không ngừng tăng trưởng.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã đảo ngược. Dòng tiền nóng đang chảy ra khỏi Trung Quốc với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Uớc tính, 141,66 tỷ USD đã được rút ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vượt xa mức kỷ lục trước đó là 124,62 tỷ USD được ghi nhận vào tháng 7/2015, theo số liệu của Bloomberg.
Việc dòng tiền nóng ồ ạt chạy ra khỏi Trung Quốc bắt đầu từ khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) đưa ra quyết định gây chấn động thị trường toàn cầu: hạ giá đồng nhân dân tệ vào ngày 11/8, bóp cò cho đà giảm mạnh của thị trường hàng hóa, chứng khoán và đồng nội tệ của các nền kinh tế đang nổi khác.
Trong tháng 8/2015, Quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm 93,9 tỷ USD, mức giảm mạnh nhất (tính theo phần trăm) kể từ tháng 5/2012. Đây là kết quả từ áp lực giảm phát của nền kinh tế, sự tháo chạy nhanh chóng của dòng tiền nóng và việc ngân hàng trung ương Trung Quốc mua vào đồng nội tệ, nhằm bảo vệ đồng nhân dân tệ khỏi việc giảm giá quá mạnh.
Thêm vào đó, kỳ vọng từ việc Mỹ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006 cũng thu hút bớt nguồn tiền từ Trung Quốc, làm tình hình càng trở nên phức tạp đối với PboC nói riêng và giới chức Trung Quốc nói chung.
Lý giải cho sự sụt giảm mạnh của quỹ dữ trữ quốc gia, trong một bài trả lời phỏng vấn Wall Street Journal tuần trước, ông Tập Cận Bình cho biết, có 3 lý do lý chính: việc chuyển đổi một số tài sản nước ngoài từ PboC sang các ngân hàng nội địa khác, tốc độ tăng trưởng mạnh đầu tư nước ngoài của các công ty nội địa và việc các công ty giảm bớt các hoạt động tài chính ngoại quốc.
Huang Yiping, giáo sư Đại học Peking, cố vấn kinh tế của PboC, cho biết: “Trước áp lực giảm phát của nền kinh tế và việc Trung Quốc đang mở cửa hơn đối với thị trường vốn, việc rút tiền ra đồng loạt sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa. Nếu dòng vốn chảy ra bên ngoài tiếp diễn trong tương lai, áp lực giảm phát lại càng nặng nề”,.
Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực để gia tăng khả năng kiểm soát nguồn vốn. Theo nguồn tin giấu tên, Cục Quản lý ngoại hối Trung Quốc (SAFE) đã yêu cầu các ngân hàng cần phải kiểm soát đặc biệt các giao dịch ngoại tệ bằng các tài khoản vốn.
Trung Quốc đang cố gắng hạn chế can thiệp vào biến động của đồng nhân dân tệ, nhằm đưa đồng tiền này trở thành một trong những đồng tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ quốc tế và nỗ lực kiềm chế dòng tiền chảy ra ngoài, trước mối lo ngại của các nhà đầu tư khi nền kinh tế nước này đang tăng trưởng ở mức chậm nhất kể từ 1990.
Chưa kể tới, ngay cả các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang tìm cách đa dạng hóa các khoản đầu tư và ưa thích các tài sản nước ngoài, sau việc thị trường chứng khoán Đại lục sụt giảm hơn 40% so với mức đỉnh vào ngày 12/6.