Trung Quốc đã “phản bội” lại thị trường tài chính toàn cầu khi cho hạ giá đồng nhân dân tệ với lý lẽ rằng đó là nỗ lực để đưa tỷ giá hối đoái của nước này theo đúng định hướng thị trường. Giá trị của đồng nhân dân tệ đã giảm 1,9% so với đôla Mỹ vào hôm 11/8, mức giảm thấp nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây và giảm thêm 1,6% vào hôm qua.
Bước đi này có thể giúp các công ty Trung Quốc sản xuất ra các sản phẩm với giá rẻ hơn trên thị trường quốc tế. Cổ phiếu của Mỹ cũng sụt giảm do các lo ngại về việc kinh tế Trung Quốc sẽ càng sụt giảm trầm trọng hơn.
Trung Quốc đã làm gì?
Bắc Kinh không thả nổi đồng tiền của mình trên thị trường tài chính như Mỹ. Thay vào đó, nước này "neo" đồng nhân dân tệ với các dòng tiền tệ khác, được cho là bị chi phối bởi USD. Sau đó Trung Quốc chỉ giới hạn giao dịch nhân dân tệ trong khoảng 2% trên hoặc thấp hơn mục tiêu hàng ngày do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đề ra.
Vào ngày 11/8, ngân hàng trung ương đặt ra mục tiêu giảm 1,9% so với mức của ngày hôm trước, đây là sự thay đổi lớn nhất trong vòng một ngày. Từ đó, mục tiêu hàng ngày giờ đây sẽ dựa trên giá trị đóng của ngày hôm trước, dựa trên việc cung ứng đồng tiền và nhu cầu của thị trường.
Theo David Dollar, thành viên cao cấp của Viện Brookings, sự thay đổi này cho phép đồng nhân dân tệ có những bước thay đổi lên, xuống nhanh hơn, lớn hơn, đồng thời phản ánh được quan điểm của các nhà đầu tư đối với viễn cảnh nền kinh tế của Trung Quốc và đồng tiền của nước này.
Tại sao Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ?
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lý giải nước này làm như vậy là vì đồng nhân dân tệ đã tăng giá ngay cả khi các lực lượng thị trường khác cho rằng nó cần phải giảm. Những người dân Trung Quốc đã lo lắng tới mức bắt đầu luân chuyển tài khoản của mình sang các nước khác, để làm giảm áp lực lên nhân dân tệ. Tuy nhiên, đồng tiền này vẫn tiếp tục tăng do mối liên hệ với đôla Mỹ, vốn đang tăng thời gian gần đây.
Đồng nhân dân tệ liên tục giảm mạnh trong vòng 2 ngày qua. |
Một đồng tiền “quá tải” đã ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà xuất khẩu Trung Quốc, khiến các sản phẩm của họ có giá đắt đỏ hơn các nơi khác trên thế giới.
Vào tháng 7, ngành xuất khẩu Trung Quốc đã giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế Trung Quốc thực sự cần giúp đỡ. Năm nay kinh tế nước này không vượt quá con số tăng trưởng 7%, mức thấp nhất kể từ năm 1990 và thậm chí còn có thể giảm thêm vào năm tiếp theo. Thị trường chứng khoán cũng đang chứng kiến mức tụt dốc không phanh kể từ tháng 6.
Các đối tác giao dịch của Trung Quốc bị ảnh hưởng như thế nào?
Các nhà đầu tư lo ngại rằng việc cổ phiếu của Mỹ giảm mạnh hôm 11/8 vừa qua cũng kéo theo sự sụt giảm của các nhà xuất khẩu lớn khác. Trên lý thuyết, một đồng nhân dân tệ yếu có thể làm giảm sản lượng xuất khẩu của hàng hóa Mỹ vào Trung Quốc, vốn đã giảm 5% tính đến tháng 6.
Các chính trị gia Mỹ, từng chỉ trích Bắc Kinh kìm nén giá trị đồng nhân dân tệ và không cho các nhà xuất khẩu cơ hội, đã phản đối kịch liệt động thái giảm giá đồng tiền này. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nghi ngờ liệu việc phá giá 2% của đồng nhân dân tệ có gây quá nhiều ảnh hưởng tới các nhà xuất khẩu của Mỹ và các quốc gia khác hay không.
Mark Zandi, nhà nghiên cứu kinh tế của Moody's Analytics, cho rằng: “2% không phải là một vấn đề lớn. Nhưng 10% trong vòng một vài tháng tới thì thực sự là cả một vấn đề”. Các nhà kinh tế không coi động thái của Bắc Kinh là một nỗ lực nhằm giảm giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp một cách “nhân tạo”. Thay vào đó, họ đón nhận bước đi của Trung Quốc để bắt kịp một thực tế là đồng nhân dân tệ sẽ thường xuyên bị “bức giá” như vậy. Đồng thời, chính phủ Mỹ cần tích cực hơn trong việc lên kế hoạch để nâng cao vai trò chi phối của các lực lượng thị trường.
Liệu Cục dự trữ Liên bang có trì hoãn một cuộc đua tỷ giá “đường trường”?
Câu trả lời có thể là không. Sự thật là mặc dù đồng nhân dân tệ giảm giá ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu Mỹ và dường như làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát ở đây. Tuy nhiên, động thái của Trung Quốc vẫn chưa đủ lớn để tạo nên một sự thay đổi. Vì vậy, Fed vẫn tiếp tục kế hoạch của mình, có thể là vào hội nghị diễn ra tháng 9 tới đây, sẽ tăng tỷ giá ngắn hạn mà cơ quan này kiểm soát, vốn vẫn giữ mức gần bằng không từ năm 2008.
Nền kinh tế Mỹ vẫn trên đà tăng trưởng ở mức ổn định 2,3% một năm từ tháng 4 năm ngoái đến tháng 6 năm nay. Con số người thất nghiệp cũng giảm xuống mức 5,3%, mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua. Nếu như kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển khỏe mạnh như vậy thì “đồng nhân dân tệ chỉ đóng vai trò như một diễn viên bên lề” mà thôi.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Associated Press (AP) của Mỹ. Đây là hãng tin lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York. AP cũng là một trong những nguồn cung cấp tin tức lớn nhất cho các tờ báo, đài truyền hình và đài phát thanh trên thế giới.