Một số quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Bộ này nên đưa ra tuyên bố công khai về việc Cục Điều tra Liên bang (FBI) khám xét khu nghỉ dưỡng của ông Trump ở Florida. Tuy nhiên, điều này cho đến nay vẫn chưa thay đổi được sự im lặng từ cấp lãnh đạo.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland đã hạn chế đưa ra các tuyên bố công khai của Bộ này về các cuộc điều tra, đặc biệt là cuộc điều tra liên quan đến bạo loạn ngày 6/1/2021 và bất cứ điều gì liên quan đến ông Trump, theo CNN.
Tại sao FBI giữ im lặng?
Cuộc khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Trump hôm 8/8 một phần nhằm tránh sự chú ý, theo nguồn thạo tin. Các đặc vụ của FBI - cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ - xuất hiện vào khoảng 10h (theo giờ địa phương) trong thường phục, chứ không phải đầu giờ sáng.
Họ cũng không mặc áo khoác có biểu tượng FBI thường thấy tại các cuộc khám xét. Đồng thời, cựu Tổng thống Trump đã ở New York vào thời điểm đó.
Vụ việc chỉ được công khai khi ông Trump đưa ra tuyên bố vào gần cuối cuộc khám xét kéo dài hàng giờ này, mô tả nó như một "cuộc bao vây".
Các đặc vụ FBI khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump. Ảnh: AP. |
Bộ trưởng Garland đã nhiều lần giải thích lý do ông ít đề cập về các cuộc điều tra đang diễn ra này.
Ông giải thích rằng chính sách chung của Bộ Tư pháp Mỹ là không bình luận. Ngoài đó, việc ít đề cập cũng là một phần của chiến lược bảo vệ cuộc điều tra, bằng cách không cho các mục tiêu tiềm năng biết những gì Bộ đang làm. Ông cũng viện dẫn tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền của những người chưa bị buộc tội.
Tuy nhiên, một số quan chức Bộ Tư pháp và FBI đã tranh luận trong nội bộ rằng sự im lặng này có hại cho lợi ích của Bộ và công chúng. Điều đó một phần do ông Trump và các đồng minh đã tích cực lên tiếng về vụ việc.
Hôm 10/8, Bộ Tư pháp Mỹ đã tránh các câu hỏi về cuộc khám xét nhà Trump bằng việc công bố video về một vụ án lớn, cáo buộc một quan chức quân đội Iran cố gắng ám sát John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời ông Trump.
Trong video này, tuyên bố của Matt Olsen, trợ lý tổng chưởng lý về an ninh quốc gia và Larissa Knapp, một quan chức của FBI, là điều hiếm thấy.
Một vụ án tầm cỡ như vậy thường sẽ là chủ đề trong một cuộc họp báo của tổng chưởng lý. Tuy nhiên, việc tổ chức một cuộc họp báo trong tuần này rất có khả năng sẽ bị chi phối bởi các câu hỏi về Mar-a-Lago.
Không có gì lạ khi FBI tuyên bố công khai về lệnh khám xét
CNN nhận định không có gì lạ khi FBI và các luật sư Mỹ tuyên bố công khai về lệnh khám xét. Điều đó có thể chỉ ở mức độ xác nhận rằng các nhà điều tra đang thực hiện lệnh khám xét do tòa án cho phép, khi họ được công chúng nhìn thấy hoặc bị bắt gặp trên camera.
Gần đây, họ đã làm như vậy sau khi công chúng nhận thấy FBI khám xét nhà của Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Texas Henry Cuellar, và sau khi cựu luật sư Bộ Tư pháp Jeffrey Clark công khai khiếu nại về việc nhà của ông bị khám xét.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, trong trường hợp này, tuyên bố duy nhất đến từ hiệp hội đặc vụ FBI. Họ bảo vệ hành vi của các đặc vụ, nhưng không đề cập đến cuộc khám xét Mar-a-Lago.
“Các đặc vụ FBI thực hiện nhiệm vụ điều tra của họ một cách chính trực và chuyên nghiệp, đồng thời tập trung vào việc tuân thủ luật pháp và Hiến pháp”, Brian O'Hare, Chủ tịch Hiệp hội Đặc vụ FBI, cho biết.
Ông khẳng định tất cả lệnh khám xét mà đặc vụ thực hiện đều do Tòa án quận hoặc các thẩm phán ban hành. Chúng phải đáp ứng các quy tắc chi tiết và rõ ràng về mặt thủ tục, cũng như là kết quả của sự hợp tác và tham vấn với các luật sư có liên quan của Bộ Tư pháp, ông cho biết thêm.
Giám đốc FBI Chris Wray hôm 10/8 đã được hỏi về cáo buộc của ông Trump. Cựu tổng thống Mỹ cho rằng cơ quan này có thể đã “ngụy tạo” bằng chứng trong vụ khám xét và về các mối đe dọa chống lại các đặc vụ.
"Liên quan đến vấn đề về các mối đe dọa, tôi luôn quan tâm đến bạo lực và các mối đe dọa bạo lực chống lại cơ quan thực thi pháp luật”, ông cho biết.
Bất kỳ lời đe dọa nào chống lại cơ quan thực thi pháp luật đều đáng trách và nguy hiểm, ông khẳng định.