Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự đời vốn dĩ là bất định

Việc không ngừng lý giải nhân quả về thế giới là cách chúng ta “hiểu” thế giới.

Khi dòng đời trôi đi trong Thung lũng Bình thường, các sự kiện xảy ra như sự kiện gia đình Jones bị trục xuất khỏi nhà: nó có vẻ bình thường khi nhìn lại, dù ta không mong đợi mà cũng chẳng thể dự đoán. Ấy là do quá trình tìm hiểu thực tế là một quá trình nhìn lại quá khứ.

Một sự kiện xảy ra không lường trước (việc gia đình Jones bị trục xuất) sẽ kích hoạt bộ não tìm kiếm nguyên nhân (thị trường việc làm khó khăn, người quản lý không thông cảm). Việc tìm kiếm dừng lại khi tìm được nguyên nhân. Giả sử sự kiện diễn ra theo chiều hướng ngược lại, bộ não sẽ tìm ra những nguyên nhân thuyết phục chẳng kém (Jessica kiên trì, người quản lý thông cảm).

Như minh họa qua những ví dụ này, nhiều sự kiện diễn ra trong đời đã tự phơi bày nguyên nhân tại sao nó diễn ra. Bạn có thể để ý thấy là người quản lý tòa nhà trong hai phiên bản khác nhau của câu chuyện trục xuất thực sự không giống nhau: người đầu tiên không thông cảm, người thứ hai tốt bụng.

Nhưng manh mối duy nhất về tính cách của người quản lý là hành vi của ông. Với những gì ta đã biết về ông, hành vi đó diễn ra nhất quán và dễ hiểu. Khi xảy ra, biến cố đã tự phơi bày nguyên nhân.

Su kien anh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Sally Deng.

Su kien anh 2

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Jonas Von Werne/Pexels.

Khi ta giải thích một kết quả bất ngờ nhưng không đáng ngạc nhiên theo cách này, kết quả sau cùng luôn hợp lý. Rồi ta nói ta hiểu câu chuyện, và chính điều đó làm cho câu chuyện có vẻ như có thể đoán trước, sau khi nó đã xảy ra. Vì sự kiện đã tự phơi bày nguyên nhân khi nó xảy ra, nên ta có ảo tưởng rằng ta có thể đoán trước.

Tổng quát hơn, việc hiểu thế giới của chúng ta phụ thuộc vào việc bộ não có khả năng phi thường dựng lên câu chuyện giải thích những sự kiện mà ta quan sát được. Việc tìm kiếm nguyên nhân hầu như luôn thành công bởi vì nguyên nhân có thể được rút ra từ một kho dữ kiện và niềm tin vô hạn về thế giới.

Ví dụ, lắng nghe bản tin buổi tối, hầu như ai cũng tưởng rằng chẳng có biến động lớn nào trên thị trường chứng khoán mà không thể giải thích được. Cùng một luồng tin tức có thể “giải thích” sự sụp đổ của chỉ số thị trường (những nhà đầu tư thận trọng đang băn khoăn lo lắng về tin tức này!) mà cũng có thể giải thích sự gia tăng ào ạt (những nhà đầu tư tự tin vẫn tràn trề lạc quan!).

Khi bộ não không tìm ra nguyên nhân rõ ràng, biện pháp đầu tiên của ta là giải thích bằng cách điền vào chỗ trống trong mô hình thế giới của ta. Đây là cách ta suy ra một sự kiện mà trước đây ta không biết (ví dụ, người quản lý là một người tốt bụng khác thường).

Chỉ khi không thể vặn vẹo mô hình thế giới để tạo ra kết quả như đã xảy ra thì ta mới chấp nhận là nó đáng ngạc nhiên và bắt đầu tìm kiếm một cách giải thích phức tạp hơn. Biến cố chỉ thật sự trở nên bất ngờ khi bộ não không thể tìm ra nguyên nhân sau khi nó đã xảy ra.

Việc không ngừng lý giải nhân quả về thế giới là cách chúng ta “hiểu” thế giới. Khi dòng đời trôi qua, cái hiểu của ta thật ra là nhận thức lại sau khi sự việc đã xảy ra và ta tìm cách lý giải nó. Về cơ bản, cái hiểu này có tính nhân quả: sau khi biến cố xảy ra và ta đã biết về nó, thì các diễn biến khác sẽ được loại trừ và không còn gì bất định nữa.

Từ các nghiên cứu kinh điển về nhận thức lại sau khi sự việc đã xảy ra, ta biết rằng cho dù sự đời có tính chất bấp bênh bất trắc, nhưng một khi chuyện đã xảy ra thì ký ức của ta cũng mau chóng quên rằng sự đời vốn dĩ là bất định.

Daniel Kahneman, Olivier Sibony, Cass R. Sunstein/NXB Trẻ

SÁCH HAY