Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tư duy nhân quả là gì?

Tư duy nhân quả tạo thành những câu chuyện trong đó các sự kiện, con người và đối tượng cụ thể sẽ tác động lẫn nhau.

Tư duy nhân quả

Khi đọc phần đầu chương này, nếu bạn tự hỏi điều gì dẫn đến việc mất chỗ ở và các kết quả khác trong những gia đình dễ đổ vỡ, bạn đang có cùng một kiểu suy nghĩ như những nhà nghiên cứu với những nỗ lực mà chúng tôi vừa miêu tả.

Bạn đã áp dụng tư duy thống kê: bạn quan tâm đến các nhóm, như nhóm gia đình dễ đổ vỡ, và lưu ý tới các trị thống kê miêu tả như trị trung bình phương sai, tương quan, v.v... Bạn không tập trung vào những trường hợp riêng lẻ.

Một lối tư duy khác, đến với tâm trí ta một cách tự nhiên hơn, ở đây được gọi là tư duy nhân quả. Tư duy nhân quả tạo thành những câu chuyện trong đó các sự kiện, con người và đối tượng cụ thể sẽ tác động lẫn nhau. Để trải nghiệm tư duy nhân quả, hãy hình dung bạn là một nhân viên xã hội đang theo dõi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bạn vừa hay tin một trong những gia đình này, gia đình Jones, đã bị trục xuất ra khỏi nhà.

Phản ứng của bạn hàm chứa những thông tin bạn đã biết về gia đình Jones. Như diễn biến vụ việc, Jessica Jones, trụ cột gia đình, vừa bị thất nghiệp vài tháng trước. Cô không tìm được việc làm khác, nên không thể trả đủ tiền thuê nhà. Cô đã thanh toán một phần, nhiều lần van xin người quản lý nhà, và thậm chí còn nhờ bạn can thiệp (bạn đã xin giúp nhưng ông ta vẫn không chút động lòng).

Do nhieu anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: icon0 com/Pexels.

Trong bối cảnh này, việc gia đình Jones bị trục xuất là chuyện đáng buồn nhưng không có gì bất ngờ. Thật ra, có cảm giác đó là kết thúc hợp lý của một chuỗi sự kiện, là đoạn kết không thể tránh khỏi của một bi kịch đã được báo trước.

Khi thúc thủ trước cảm giác không thể tránh khỏi này, ta sẽ không nhận ra rằng sự việc lẽ ra có thể hoàn toàn khác, số phận có thể rẽ sang lối khác tại một ngã ba đường. Jessica có thể giữ được việc làm. Cô có thể nhanh chóng tìm được việc làm khác. Một người thân giúp đỡ cô. Bạn, nhân viên xã hội, đã bênh vực được cho Jessica. Người quản lý tòa nhà có thể thông cảm và cho phép gia đình chậm trả tiền nhà vài tuần để Jessica tìm việc mới rồi từ từ trả sau.

Y hệt như diễn biến ban đầu, những diễn biến khác này cũng không làm ta ngạc nhiên sau khi nó xảy ra và ta biết kết cuộc. Bất kể kết quả như thế nào (có bị trục xuất hay không), một khi nó đã xảy ra, tư duy nhân quả khiến ta cảm thấy hoàn toàn có thể giải thích được, nghĩa là ta tưởng có thể đoán trước được.

Khi dòng đời êm trôi trong Thung lũng Bình thường

Nhận định trên có thể giải thích bằng tâm lý học. Thế giới vẫn có những sự kiện bất ngờ: một đại dịch chết người, vụ tấn công vào tòa Tháp đôi, một quỹ đầu cơ sang trọng hóa ra là trò lừa đảo đa cấp. Trong đời sống cá nhân đôi khi cũng có những cú sốc: yêu một người xa lạ, người thân đột ngột qua đời khi còn trẻ, tài sản thừa kế bất ngờ. Trái lại, có những sự kiện đã được chủ động lường trước, chẳng hạn một học sinh lớp hai đi học về trong khung giờ thường lệ.

Nhưng hầu hết trải nghiệm của con người nằm giữa hai thái cực trên. Đôi khi ta ở vào trạng thái chủ động mong đợi một sự kiện, và cũng có lúc xảy ra những biến cố hoàn toàn bất ngờ. Nhưng dòng đời thường trôi đi mà ta không mong đợi gì cũng chẳng bất ngờ cho lắm, và chúng tôi gọi đó là Thung lũng Bình thường.

Ví dụ, ngay lúc này, bạn không có kỳ vọng cụ thể gì về nội dung trong đoạn tiếp theo. Bạn sẽ ngạc nhiên nếu đột nhiên chúng tôi chuyển sang tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng có rất nhiều điều chúng tôi đề cập đến mà không làm bạn bị sốc.

Daniel Kahneman, Olivier Sibony, Cass R. Sunstein/NXB Trẻ

SÁCH HAY