Cận cảnh một quả bom nguyên tử Mark 15, cùng loại với phi cơ mất tích. Ảnh: US Army |
Bom nguyên tử biến mất bí ẩn
Một ngày mùa đông năm 1958, bom nguyên tử Mark 15 rơi xuống vùng biển ngoài khơi Savannah, bang Georgia, Mỹ. Máy bay ném bom chiến lược B-47 gặp sự cố buộc phi công phải thả bom rơi tự do. Cơ chế an toàn giúp nó không nổ dù chịu lực tác động mạnh do va đập, OZY đưa tin.
Theo các báo cáo, chiếc B-47 va chạm với chiến đấu cơ F-86 trong nhiệm vụ huấn luyện tối mật lúc nửa đêm. Máy bay B-47 lao xuống một căn cứ không quân ở Savannah nhưng trước đó, phi công đã kịp thả bom ở khu vực cách hòn đảo Tybee 8 km. Phi hành đoàn may mắn sống sót nhưng quả bom biến mất bí ẩn.
Bom nguyên tử Mark 15 là vũ khí chiến lược của Mỹ trong những năm 1950, với khoảng 1.200 quả được chế tạo. Đây là dạng bom chuyển tiếp giữa vũ khí phân hạch và nhiệt hạch. Mỗi quả dài 3,65 m, nặng 3.450 kg, sử dụng nhiên liệu là uranium làm giàu ở cấp độ cao. Trọng lượng và kích thước vừa phải là ưu thế của Mark 15 so với các loại bom nguyên tử cùng thời.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Không quân Mỹ đã huy động lực lượng lớn để tìm bom. Nỗ lực tìm kiếm kéo dài hai tháng không mang lại hiệu quả vì thời tiết xấu, nước lạnh và tầm nhìn dưới nước quá hạn chế. Ngày 16/4/1958, quân đội Mỹ buộc phải tuyên bố Mark 15 biến mất vĩnh viễn dưới đáy biển.
Nỗi ám ảnh từ quả bom mất tích
Năm 1958, nhà chức trách Mỹ khẳng định quả bom không gây nguy hiểm tới người dân sống quanh khu vực. Họ tin rằng lớp vỏ kim loại dày sẽ giúp nhiên liệu phóng xạ bên trong Mark 15 không bị rò rỉ. Tuy nhiên, tuyên bố này không đủ trấn an người dân Mỹ. Nỗi khiếp đảm từ quả bom dài hơn 3,5 m vượt xa mọi nỗi sợ từ cá mập ăn thịt người hay sứa độc.
Gần 60 năm sau sự cố hy hữu, nơi Mark 15 thất lạc được đánh dấu bằng một tấm biển với dòng chữ viết tay nguệch ngoạc dù nỗi ám ảnh từ nó ngày càng gia tăng. Trong hàng nghìn báo cáo, một bản duy nhất khẳng định quả bom không còn giá trị của vũ khí hạt nhân và nó không thể nổ.
Nhà sử học Douglas Keeney gọi báo cáo này là “lố bịch” đồng thời dẫn tài liệu trong phiên điều trần năm 1966 trước Quốc hội Mỹ cho biết Mark 15 không chỉ chứa uranium mà còn có cả plutonium. Nếu một vụ nổ hạt nhân xảy ra, sức công quá của nó sẽ lớn gấp 100 lần quả bom Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945.
Dù chính phủ Mỹ đã ngừng tìm kiếm quả bom, nó vẫn luôn ám ảnh người dân địa phương. Họ lo sợ Mark 15 bị dạt vào gần bờ và cười mỉa mai khi ai đó bảo nó chỉ là đống sắt vụn.
Trung tá không quân về hưu Derek Duke dẫn đầu một đội tìm kiếm bom hạt nhân trong năm 2004. Nhóm của ông phát hiện nồng độ phóng xạ cao ở vùng nước nông ngoài khơi Savannah. Tuy nhiên, các điều tra chuyên sâu kết luận hiện tượng này bình thường vì các khoáng chất tự nhiên trong khu vực.
Ông Duke, 70 tuổi, vừa cho biết một câu chuyện hoàn toàn khác với kết luận trước đó. Chính phủ Mỹ cho rằng thông tin phát hiện dấu vết quả bom nguyên tử quá nhạy cảm về mặt chính trị. Nếu đó là sự thực, kẻ thù có thể tìm kiếm quả bom để lấy nhiên liệu hạt nhân và biến nó thành vũ khí nhằm tấn công nước Mỹ.