Khoảng 8h15 sáng 6/8/1945, quả bom mang biệt danh Little Boy phát nổ ở độ cao 580 m trên bầu trời thành phố Hiroshima. Ảnh: Daily Mail |
Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm mục đích chống kẻ thù sau khi họ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào ngày 6 và 9/8/1945.
Theo RT, hơn 160.000 người thiệt mạng khi hai quả bom phát nổ và hàng nghìn người khác chết do ảnh hưởng của phóng xạ.
Tính đến tháng 8/2014, số lượng tên trong đài tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng trong hai vụ ném bom cách đây 70 năm của Mỹ lên đến hơn 450.000, bao gồm 92.325 người tại thành phố Hiroshima và 165.409 người tại thành phố Nagasaki.
Chiyoko Kuwabara nói với RT rằng, khi thảm kịch xảy ra, bà mới chỉ là một cô bé 13 tuổi sống tại thành phố Hiroshima. Những khoảnh khắc diễn ra hôm ấy luôn in đậm trong tâm trí của bà.
"Sau vụ nổ, thi thể vương vãi khắp nơi. Tôi thấy một bà mẹ lang thang để tìm những đứa trẻ. Thỉnh thoảng tiếng trẻ con khóc vang lên ở đâu đó. Người đàn bà ấy chạy đến, nhìn mặt chúng nhưng chẳng thể nhận ra đứa nào là con của bà", Kuwabara kể lại.
Bà lão dẫn những phóng viên của RT tới Bảo tàng Tưởng niệm hoà bình tại thành phố Hiroshima, nơi người ta trưng bày hiện vật còn sót lại cũng như lưu giữ hình ảnh của người người sắp hoặc đã chết trong vụ thả bom.
"Khi nhìn những bức ảnh, tôi cảm thấy vô cùng đau xót. Họ thật tội nghiệp. Tôi nghĩ tất cả bọn họ đều đã chết", bà khóc và nói.
Sanae Ikeda, một nhân chứng sống tại thành phố Nagasaki, cho biết, hai người em của ông đã mất mạng trong thảm kịch.
"Thi thể em gái tôi cháy thành than, chẳng còn khuôn mặt. Sau đó, tôi tìm thấy thắt lưng của nó. Tuy bên ngoài thắt lưng đã cháy nhưng mặt bên trong vẫn còn nguyên vẹn. Tôi thấy những bông hoa nhỏ ở đó. Với tôi, chúng chính là thi thể của em gái", Ikeda tâm sự.
Ông lão 82 tuổi cho hay, trên khi chạy đến nơi an toàn, ông cũng gặp nhiều thi thể cháy đen. Tuy nhiên, Ikeda chẳng thể nhận ra những người đó là đàn ông hay phụ nữ.
"Những người sống sót đều bị thương và không có nơi nào để trú ẩn. Vì vậy, mọi người chạy tới một dòng sông nhỏ gần thành phố", ông nói.
Với những vết thương trên cơ thể, Sumiteru Taniguchi, 86 tuổi, trở thành một biểu tượng sống cho những khổ đau mà bom nguyên tử gây ra. Ảnh: Reuters |
Một nhân chứng sống khác trong vụ thả bom xuống thành phố Nagasaki là Sumiteru Taniguchi. "Khi đó, tôi 16 tuổi. Lúc vụ nổ xảy ra, tôi đứng cách tâm chấn khoảng 2 km. Sức ép của trái bom hất tung tôi lên không trung", Taniguchi nói.
Sức nóng từ bom khiến phần lưng và cánh tay trái của ông bỏng nặng. Sau vụ nổ, Taniguchi phải nằm trong bệnh viện 43 tháng. Suốt 21 tháng đầu, ông chỉ có thể nằm úp mặt xuống giường. Với những vết thương trên cơ thể, ông lão trở thành một biểu tượng sống cho những khổ đau mà bom nguyên tử gây ra.
“Lưng của tôi cháy đến tận xương. Các bộ phận trên cơ thể tôi cứng lại đến mức xương sườn đâm vào tim và phổi. Cảm giác đau đớn đó vẫn còn tới ngày hôm nay”, Taniguchi nói.
Tổng thống Harry S Truman chính là người phê chuẩn vụ ném bom. Ông và nhiều người khác tin rằng tấn công Nhật Bản là cách giảm thiểu thương vong của cả hai bên.
Tuy nhiên, giáo sư sử học Peter Kuznick, người đứng đầu Viện Nghiên cứu hạt nhân tại trường Đại học American, nhận định, việc Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản nhằm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai là hành động không cần thiết.
Theo lời Đô đốc hạm đội Chester W.Nimitz, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Nhật Bản trước đó đã đề nghị Mỹ ký hiệp ước hoà bình. Từ quan điểm quân sự, bom nguyên tử không đóng vai trò thắng bại trong cuộc chiến. Dựa trên các cuộc điều tra kèm lời khai của các quan chức Nhật Bản liên quan, nhiều người dự đoán, Nhật sẽ đầu hàng trước ngày 31/12/1945 nếu Mỹ không thả bom nguyên tử, Liên Xô không tham chiến hay phe Đồng minh không đổ bộ vào lãnh thổ Nhật Bản.
“Tại sao chúng ta làm việc đó? Vì chúng ta muốn vậy”, giáo sư Kuznick nói.