Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày kinh hoàng ở Hiroshima qua lời phi công ném bom

Rạng sáng 6/8/1945, người dân ở Hiroshima bắt đầu ngày mới mà không hay biết cả thành phố sắp bị hủy diệt bởi một quả bom nguyên tử.

Phi hành đoàn trên máy bay Enola Gay đã thả bom nguyên tử xuống Hiroshima. Ảnh:
Phi hành đoàn trên máy bay Enola Gay đã thả bom nguyên tử xuống Hiroshima. Ảnh: Daily Mail

Cách đây 70 năm, Mỹ thả quả bom nguyên tử và hủy diệt thành phố Hiroshima, Nhật Bản, trong chốc lát. Hai tác giả Jonathan Mayo và Emma Craigie đã gặp các bên liên quan để thực hiện quyển sách về diễn biến kinh hoàng. Tờ Daily Mail lược thuật những đoạn hồi ức của các binh sĩ Mỹ trực tiếp ném bom và của một số nạn nhân.

Ngày 6/8/1945

Tại nhà riêng ở Miami, bà Enola Gay Tibbets, 57 tuổi, đang tận hưởng chiều chủ nhật yên bình. 

Tuy nhiên, ở đảo Tinian trên Thái Bình Dương cách Miami khoảng 13.000 km, một chiếc Boeing B-29 Superfortress mang tên bà Enola chuẩn bị cất cánh. Người điều khiển phi cơ chính là con trai 29 tuổi của bà, Trung tá Paul Tibbets. 

Những tháng trước, binh sĩ Mỹ chỉ gọi máy bay đơn giản theo số hiệu 82. Tuy nhiên, đêm 5/8/1945, anh Paul đã viết tên của mẹ lên mảnh giấy rồi đưa nó cho người khắc tên lên phi cơ. Đồng đội của Paul thoạt đầu không hài lòng khi nhìn thấy dòng chữ Enola Gay vì họ trông đợi một cụm từ hấp dẫn hơn. 

Paul giải thích, việc khắc tên mẹ lên máy bay nhằm tỏ lòng biết ơn bà đã ủng hộ quyết định gia nhập quân đội của anh năm 1937. "Còn bố tôi chỉ nói: 'Nếu mày muốn chết thì cứ việc'", Paul kể. 

1h40

Chiếc Enola Gay cất cánh lúc 1h40 sáng 6/8 theo giờ Nhật Bản. Nó cần 6 giờ bay để đến địa điểm mục tiêu. 

Lúc này, tại một bệnh viện ở Hiroshima, bác sĩ Michihiko Hachiya nhận nhiệm vụ quan sát bầu trời để phát hiện kẻ địch. 

1h55

Paul nói với các đồng đội thông qua bộ đàm: "Các anh biết hôm nay chúng ta làm gì không? Chúng ta sẽ đi đánh bom, nhưng lần này sẽ đặc biệt". Pháo thủ Bob Caron hỏi: "Không phải là chúng ta sẽ sử dụng bom nguyên tử đấy chứ?", Paul trả lời ngay: "Anh đoán hoàn toàn đúng". 

Trong buồng lái, phi công Robert A. Lewis viết vào những tờ giấy mẫu của Bộ Chiến tranh. Anh đang tường thuật diễn biến theo yêu cầu của một phóng viên tờ New York Times vì người này không được phép lên phi cơ. Tuy nhiên, Robert như đang viết thư gửi bố mẹ: "Bố mẹ yêu dấu, chúng con vừa cất cánh, mọi việc đến nay vẫn ổn và chưa gặp sự cố gì...". 

2h20

Robert ngừng viết và bắt đầu quy trình 11 bước để chuẩn bị thả quả bom Little Boy. Nó nặng 5 tấn và có lực nổ tương đương 20.000 tấn thuốc nổ TNT. 

Trong khi Paul và các đồng đội tranh thủ ngủ một chút, Robert vẫn tỉnh táo giám sát hệ thống lái tự động. Anh viết tiếp: "Paul có vẻ mệt mỏi. Anh ấy đã rất nỗ lực trước khi nhiệm vụ bắt đầu nên cần nghỉ ngơi. Con nghĩ mọi người sẽ nhẹ nhõm sau khi thả quả bom xuống Nhật Bản rồi một nửa đoàn trở về nhà. Nếu may mắn hơn thì cả đoàn sẽ về".

6h30

Máy bay Enola Gay bắt đầu tăng độ cao để đạt 31.000 feet (hơn 9.4 km).

Trong khi đó, mặt trời vừa ló rạng ở Hiroshima. Đó là một ngày đầu tuần điển hình trong mùa hè tháng 8: nóng và ẩm. Khoảng 30 phút sau, đài quan sát ở Hiroshima phát hiện một máy bay do thám của Mỹ, chiếc Straight Flush, khiến chuông báo động reo lên.

Người dân thành phố này đã quá quen với sự xuất hiện của các máy bay. Họ cũng không hoảng hốt hoặc vội vã chạy đến những khu lánh nạn. Tuy nhiên, họ không hay biết rằng Hiroshima sắp trở thành mục tiêu của một vụ thả bom kinh hoàng nhất vì nơi này chưa từng bị không kích.

Đúng 8h15 sáng 6/8/1945, quả bom mang biệt danh Little Boy phát nổ ở độ cao 580 m trên bầu trời thành phố Hiroshima. Nó tạo ra quả cầu lửa khổng lồ và khiến nhiệt độ bề mặt lên tới 4.000 độ C. Ảnh: Daily Mail
Đúng 8h15 sáng 6/8/1945, quả bom mang biệt danh Little Boy phát nổ ở độ cao 580 m trên bầu trời thành phố Hiroshima. Nó tạo ra quả cầu lửa khổng lồ và khiến nhiệt độ bề mặt lên tới 4.000 độ C. Ảnh: Daily Mail

7h30

Paul thông báo với các đồng đội rằng mục tiêu là thành phố Hiroshima. "Mọi người đều lạc quan với nhiệm vụ này. Chúng con sẽ nghỉ một chút trong quá trình tấn công mục tiêu".

Lúc này, bác sĩ Hachiya đã hoàn thành ca trực đêm và chuẩn bị về nhà. Hàng nghìn trẻ em khoảng 13 tuổi đang đi vào trung tâm thành phố. Trong thời chiến, quân đội huy động cả trẻ em tham gia các hoạt động xây dựng để giảm thiểu thiệt hại chiến tranh.

8h10

Máy bay Enola Gay đạt độ cao 31.000 feet. Bác sĩ Hachiya vừa về đến nhà. Cô Eiko Taoka (21 tuổi) bồng con trai đang say ngủ trong chuyến tàu điện.

8h15 

Cửa buồng chứa bom của Enola Gay bật ra, quả bom Little Boy rơi xuống mục tiêu. Cả phi hành đoàn bắt đầu đếm ngược 43 giây cho đến thời điểm bom nổ.

Tại một trường học ở mặt đất, cậu bé Akihiro Takahashi vẫn chăm chú nhìn vào vật thể nhỏ xíu trên không trung, dù giáo viên đã hét lớn "Nằm xuống".

8h16

Quả bom Little Boy phát nổ ngay sau khi rơi xuống bệnh viện phẫu thuật Shima. Khoảng 100.000 người tại Hiroshima thiệt mạng ngay lập tức.

Từ máy bay, những binh sĩ Mỹ không nhìn thấy khói dạng quả nấm mà thay vào đó một cột khói bốc thẳng lên cao.

Trên tàu điện, Eiko Taoka bỗng thấy trời đất tối sầm cùng một tiếng nổ lớn. Cô nhìn xuống con trai và nhiều mảnh vỡ vương vãi trên đầu cậu bé. Cậu mỉm cười với mẹ, nụ cười ám ảnh Eiko suốt quãng đời còn lại. Đứa bé chỉ sống được thêm khoảng 3 tuần.

Tại trường học, sức ép từ quả bom thổi tung bé Akihiro khỏi mặt đất.

Ở nhà riêng, bác sĩ Hachiya vô cùng kinh ngạc khi thấy một luồng ánh sáng lạ xuất hiện, rồi bóng tối ập đến cùng luồng bụi dày. Sự việc diễn ra quá nhanh. Những thanh gỗ trụ của ngôi nhà đều đổ sập. Anh hoảng hốt gọi tên vợ để kiểm tra liệu cô có bình an không.

Từ trên không nhìn xuống, pháo thủ Bob Caron chụp ảnh về mặt đất bốc cháy. "Nó giống như dung nham tuôn trào", Bob nói.

Còn tiếp!


Hồi ức kinh hoàng sau vụ ném bom nguyên tử ở Nhật

Bé trai khoảng 10 tuổi mím chặt môi, đứng nhìn người ta đưa xác đứa em tới nơi hỏa táng những nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ bom nguyên tử ở Nagasaki, Nhật Bản.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm