Đứa trẻ mím chặt môi khi đưa xác em tới nơi hỏa táng. Ảnh: NYTimes |
Anh trai tiễn đưa em nhỏ chết vì bom nguyên tử
Quân đội Mỹ cử Joe O'Donnell tới Nhật Bản để ghi lại sự tàn phá của 2 quả bom nguyên tử thả xuống quốc gia này. Từ tháng 7 đến tháng 9/1945, ông đi khắp miền Tây nước Nhật, chụp lại mọi tác động của bom, từ sức tàn phá tới ảnh hưởng của chúng với người dân. Ông dùng 2 máy ảnh để chụp những gì bắt gặp. Những hình ảnh cảm động nhất được ông giữ cho riêng mình, NYTimes đưa tin.
Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của O'Donnell là khoảnh khắc anh trai đưa tiễn em nhỏ về nơi an nghỉ cuối cùng tại khu hỏa táng. Cậu bé cõng đứa em đã chết trên lưng, cố gắng không thể hiện nỗi đau mất mát.
Trả lời phỏng vấn về bức ảnh, O'Donnell nói: “Tôi thấy một cậu bé khoảng 10 tuổi, đi chân đất. Nó cõng em trên lưng. Trong những ngày này ở Nhật Bản, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ em được anh chị trông nom nhưng đứa bé này không phải một trong số chúng. Tôi thấy nó đến khu vực hỏa táng nạn nhân vụ nổ bom nguyên tử vì lý do gì đó rất nghiêm trọng. Khuôn mặt bé nghiêm nghị trong khi đứa em nghiêng đầu như đang ngủ say. Cậu bé đứng đó chừng 5 hoặc 10 phút.
Những người đàn ông đeo mặt nạ trắng bước về phía đứa trẻ, lặng lẽ cởi sợi dây buộc đứa bé ở phía sau. Đó là lúc tôi nhận ra bé đã chết. Nhóm đàn ông đưa đứa nhỏ tới nơi hỏa táng. Đứa anh vẫn đứng tại chỗ, mắt không rời ngọn lửa. Cậu bé cắn chặt môi dưới đến rướm máu. Nó đứng đó tới khi ngọn lửa tắt dần và mặt trời bắt đầu lặn. Đứa trẻ quay lưng và lặng lẽ bước đi".
Buổi sáng ám ảnh của bác sĩ ở Hiroshima
Ngày 6/8/1945, mặt trời mọc làm lộ rõ bầu trời xanh và quang mây ở thành phố Hiroshima, hứa hẹn một ngày ấm áp và dễ chịu. Không ai biết rằng buổi bình minh tuyệt đẹp sẽ không giống một buổi sáng nào trước đó. Máy bay Mỹ cùng một quả bom đã thổi bay gần như toàn bộ thành phố công nghiệp chủ chốt của Nhật Bản.
Bác sĩ Michihiko Hachiya về nhà lúc sáng sớm sau một ca trực đêm. Ông nhớ lại buổi sáng trước khi nước Nhật bị dội bom: “Bầu trời không mây được mặt trời chiếu sáng tương phản với khu vườn nhà tôi vẫn chìm trong bóng tối. Tôi bước vào nhà và nằm sõng soài trong phòng khách vì kiệt sức sau một đêm thức trắng trong không khí ngột ngạt ở bệnh viện.
Đột nhiên, một ánh sáng cực mạnh khiến tôi giật mình. Trong vài khoảnh khắc, tôi cố gắng lục trong trí nhớ xem loại đồ vật nào có thể tạo ra thứ ánh sáng như thế. Ánh sáng đó biến mất đột ngột như lúc nó xuất hiện, kèm theo đó là sức mạnh khủng khiếp đè bẹp căn nhà, khiến phần mái sập xuống.
Theo bản năng, tôi cố gắng chạy để thoát ra ngoài nhưng đống đổ nát liên tiếp rơi xuống chặn đường. Cuối cùng, tôi tới được hành lang và bước xuống khu vườn. Tôi dừng lại vì quá mệt và phát hiện mình hoàn toàn khỏa thân. Thật kỳ lạ. Bằng cách nào đó áo và quần của tôi bị thổi bay khỏi cơ thể”.
Bác sĩ Hachiya phát hiện mình bị thương và vợ ông chung cảnh ngộ. Tuy nhiên, họ may mắn hơn hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người khác sống cùng thành phố khi Mỹ thả quả bom nguyên tử Little Boy. “Những người còn sống cố lết tới bệnh viện, tạo ra một cuộc diễu hành thê thảm”, tác giả cuốn sách Nhật ký Hiroshima viết.
Nữ sinh 15 tuổi và ký ức kinh hoàng
Michie Hattori đang học ở trường khi Mỹ ném quả bom nguyên tử thứ 2 xuống Nagasaki. Bà nhớ lại: “Tôi không phải học sinh sáng giá nhất nhưng có thể là người ngoan ngoãn nhất. Khi chuông báo động của thành phố vang lên, tôi chạy vội vào hầm trú ẩn do chính phủ chuẩn bị sẵn ở sườn một ngọn đồi. Tôi luôn là người đầu tiên vào trong hầm so với các bạn cùng lớp. Nagasaki bị ném bom 5 lần trước đó.
Chúng tôi nghĩ báo động ngày 9/8 cũng giống những lần khác. Đó là lý do nhiều cô gái chỉ núp ở xung quanh trường. Vào thời điểm đó, chính phủ không công bố về vụ ném bom xuống thành phố Hiroshima 3 ngày trước. Các giáo viên yêu cầu chúng tôi rời phòng học và tìm nơi trú ẩn. Khi nhìn thấy chiếc B-29, chúng tôi nghĩ nó bay qua để chụp ảnh hay làm nhiệm vụ do thám.
Tôi đứng gần hầm trú ẩn khi quả bom nổ. Nó tạo ra ánh sáng chói mắt nhất mà tôi từng thấy. Đôi mắt tôi bị mù tạm thời vì quen với cảnh ảm đạm và u ám trong ngày hôm đó. Một lúc sau, làn gió nóng cháy da cháy thịt ập tới, thổi tôi vào hầm trước khi bị bắn trở lại. Trong một khoảnh khắc, tôi nhìn thấy các bạn học la hét vì nóng. Bộ đồng phục học sinh của họ bốc cháy.
Cảm giác đó thật khủng khiếp. Tôi hoàn toàn không nhìn thấy gì. Bàn tay và khuôn mặt tôi cháy sém, toàn thân đau buốt dữ dội. Tôi loạng choạng bước đi và vấp ngã vì một cái cây. Tôi nằm đó mà không biết chuyện gì sắp xảy ra với mình. Khi các giác quan của tôi bắt đầu hoạt động trở lại, tôi nghe tiếng khóc than của các bạn học từ phía hầm trú ẩn”.