Cột khói hình nấm bốc lên bầu trời thành phố Hiroshima hôm 6/8/1945. Ảnh: Getty |
Ngày 6/8/1945, Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên mang tên "Little Boy" xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hàng nghìn người khác chết do ảnh hưởng của phóng xạ. Gần 70 năm sau, một số ít những người chứng kiến thảm kịch hãi hùng đó còn sống đã kể lại khoảng trắng kinh hoàng in đậm trong tâm trí họ.
Shigeko Sasamori hiện giờ là một bà lão 83 tuổi. Khi vụ việc xảy ra, bà mới chỉ là một cô bé 13 tuổi. Trong ký ức của bà, mọi chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua.
"Tôi ngước lên bầu trời, một phi cơ đang bay ngang qua. Cảnh tượng ngày hôm đó thật đẹp. Bầu trời tại thành phố Hiroshima xanh ngắt, không một gợn mây. Chiếc máy bay nhỏ màu bạc sáng bóng điểm trên nền trời đẹp tựa một bức tranh", bà nói.
Khung cảnh yên bình và tươi đẹp xung quanh bỗng biến mất. Vụ nổ tựa cơn lốc xoáy san bằng tất cả. Người nằm la liệt khắp nơi. Đa phần họ bất động. Một số cháy đen, một số không còn nguyên vẹn. Chỉ một số ít di chuyển rất chậm.
"Lúc ấy, tôi đang chơi trốn tìm cùng bè bạn. Khi đếm đến 7, một chùm sáng loé lên từ phía bầu trời. Tôi chưa từng thấy loại màu trắng nào tinh khiết đến vậy. Tôi có thể nhìn rõ những mẩu xương trên các ngón tay. Một thứ âm thanh nào đó như xé toạc bộ não của tôi", Takashi Tanemori, nhân chứng 76 tuổi, hồi tưởng lại.
Setsuko Thurlow, khi đó 13 tuổi, cho biết, ông nhớ như in khoảnh khắc kinh hoàng, khi cơ thể bị ném lên không trung và sau đó ông ngất đi.
"Tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm dưới một ngôi nhà sập. Không khí nóng như thiêu đốt, xung quanh lặng như tờ, bóng tối bao phủ khắp nơi. Khi đó, tôi nghĩ rằng mình sẽ chết", Setsuko nói.
Ông lão 83 tuổi cùng một số người khác cố gắng chuyển tới nơi an toàn. "Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi ngồi trên đồi và nhìn về phía thành phố hoang tàn. Mọi người vẫn còn choáng váng với những việc đã xảy ra. Ngoài nỗi đau, chúng tôi chẳng còn cảm thấy gì nữa. Cả thành phố cháy rụi", Setsuko nói.
Người đàn ông này cho hay, cảnh tượng những con người với những phần bộ phận trên cơ thể biến mất, da thịt họ treo lủng lẳng trên xương và những tiếng rên rỉ, khóc lóc vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí ông.
Một nhân chứng khác là bà Yoshie Oka. Khi vụ việc xảy ra, bà mới chỉ là một thiếu nữ 14 tuổi làm việc trong tổng đài chuyển tiếp thông tin tới các căn cứ quân sự trong khu vực.
"Khi đó, tôi đang làm việc ngay cạnh cửa sổ và một chùm sáng lạ ùa vào. Nó lấp lánh và sáng trắng", bà lão 84 tuổi nhớ lại.
Yoshie bước đến cửa hầm, trèo ra ngoài và choáng váng khi thấy cảnh vật xung quanh chỉ còn là đống đổ nát.
"Một người lính nằm trên mặt đất. Anh ấy bị bỏng. Tôi chạy về phía đó và đỡ anh ấy dậy. Anh thều thào nói rằng chúng tôi vừa hứng chịu một loại bom mới", bà kể.
Sau đó, người phụ nữ này vội vàng quay về hầm, tìm điện thoại và liên lạc với một sĩ quan trong khu vực để truyền tin.
"Tôi nói rằng toàn bộ thành phố Hiroshima vừa bị tiêu diệt, người ở đầu dây bên kia quá đỗi bất ngờ. Trong phút chốc, ông ấy vẫn không thể hiểu hoặc không thể tin những gì tôi nói là sự thật”.
3 ngày sau, Mỹ thả quả bom nguyên tử thứ hai mang tên "Fat man" xuống thành phố Nagasaki. Theo ước tính, khoảng 64.000 người thiệt mạng. Sau khi trở thành nước đầu tiên trên thế giới bị ném bom nguyên tử, Nhật Bản chấp nhận đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện. "Nỗi đau này quá lớn", Nhật hoàng Hirohito nói.