Tại hội nghị “Thúc đẩy kết nối cung cầu nông sản và thực phẩm tươi sống cho TP.HCM trong điều kiện Covid-19” diễn ra ngày 11/9, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970, cho biết ngay sau khi có thông tin mì Hảo Hảo xuất sang EU có chứa chất Ethylene Oxide, ngành nông nghiệp đã yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra lại hàng nông sản xuất khẩu sang EU.
Hiện nay, các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam vẫn đáp ứng được điều kiện xuất khẩu vào EU và đang lưu hành bình thường.
"Một số sản phẩm mì Hảo Hảo và mì khô có chứa chất Ethylene Oxide được phát hiện ở thị trường EU, tuy nhiên không nên đánh đồng với tất cả sản phẩm khác vì doanh nghiệp vẫn đang đáp ứng đúng các quy chuẩn của Việt Nam", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Vừa qua, một số quan điểm cho rằng sự cố có chất cấm trong mì gói có thể bắt nguồn từ chuỗi cung ứng, sản xuất nông sản, rau gia vị ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng “tin đồn này, tin đồn nọ là không đúng”.
Sản phẩm mì Hảo Hảo đang được bán ở Việt Nam. Ảnh: Văn Hưng. |
Cũng tại hội nghị, TS Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (thuộc Trường Cán bộ Quản lý NNPTNT II), thành viên Tổ công tác 970, cho biết kể từ ngày 1/9, nhiều loại rau gia vị như ngò gai, ngò ôm, sả, gừng, hành, riềng... đang bị ùn ứ tại các địa phương ở ĐBSCL.
“Khả năng cao là do sự cố chất Ethylene Oxide đã gây ảnh hưởng tới dây chuyền sản xuất và tiêu thụ rau gia vị vì liên quan tới gói sản xuất mì ăn liền”, ông Hải nói.
Về vấn đề này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho biết sau khi có thông tin về chất Ethylene Oxide, việc tiêu thụ các nguồn nguyên liệu đầu vào của mì ăn liền có dấu hiệu chững lại.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng tỏ ra hoang mang, không biết xảy ra chuyện gì, không biết chất Ethylene Oxide có nằm trên hành lá, rau củ quả không. Trong khi chưa có chỉ đạo cụ thể từ Bộ Công thương thì mới đây, Acecook đã đưa sản phẩm đi kiểm tra tại 2 đơn vị kiểm tra của nước ngoài.
"Thông báo chính thức từ phía đơn vị kiểm nghiệm là những nguyên liệu hành lá, rau củ quả trong gói gia vị của mì gói lấy mẫu bất kỳ đều không phát hiện chất Ethylene Oxide trong sản phẩm", bà Chi thông tin.
Trước đó, bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã có báo cáo khẳng định Acecook và Thiên Hương đang tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương cần thêm nhiều thời gian để thu hồi sản phẩm, kiểm tra, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan để kiểm tra việc sản xuất các sản phẩm. Đối tượng kiểm tra không chỉ các sản phẩm liên quan đến mì mà còn để xác định việc tuân thủ của doanh nghiệp như thế nào, đặc biệt là chất lượng các sản phẩm tại Việt Nam có thể đáp ứng được không.
Theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế, Ethylene Oxide là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Xét về các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam, mì Hảo Hảo và Thiên Hương bị cảnh báo vừa qua lại đang sản xuất theo đúng các quy định.
Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cũng cho biết hiện nay, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng Ethylene Oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm.
Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…