Theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế, Ethylene Oxide là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Xét về các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam, mì Hảo Hảo và Thiên Hương bị cảnh báo vừa qua lại đang sản xuất theo đúng các quy định.
Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cũng cho biết hiện nay, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng Ethylene Oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm.
Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…
“Trong trường hợp này, mức giới hạn dư lượng Ethylene Oxide cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác”, Vụ Khoa học và Công nghệ phân tích.
Sản phẩm mì Hảo Hảo đang được bán ở Việt Nam. Ảnh: Văn Hưng. |
Bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thông tin Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã có báo cáo khẳng định Acecook và Thiên Hương đang tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Đồng thời, 2 doanh nghiệp thông tin không phải tất cả sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường trên đều có yêu cầu thu hồi, mà chỉ có một số sản phẩm nhất định trong thông báo của các cơ quan chức trách tại một số nước như Na Uy, Ireland.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương cần thêm nhiều thời gian để thu hồi sản phẩm, kiểm tra, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan để kiểm tra việc sản xuất các sản phẩm. Đối tượng kiểm tra không chỉ các sản phẩm liên quan đến mì mà còn để xác định việc tuân thủ của doanh nghiệp như thế nào, đặc biệt là chất lượng các sản phẩm tại Việt Nam có thể đáp ứng được không.
Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho rằng cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) mì Hảo Hảo và miến ăn liền Good nhập khẩu từ Việt Nam có nhiễm chất Ethylene Oxide không có nghĩa là tất cả sản phẩm này bị cấm bán hay buộc phải tiêu hủy tại Ireland.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh, cho biết cảnh báo nói trên không phải là một quyết định hành pháp mà chỉ là cảnh báo cấp độ 2.
Trong những trường hợp như vậy, nhà phân phối tại Irealand sẽ dừng bán và thông báo tại các điểm bán hàng về việc thu hồi sản phẩm đã bán. Người tiêu dùng có thể trả lại sản phẩm đã mua và được hoàn lại tiền theo hóa đơn.
Thực tế, nhiều quốc gia cũng chưa có quy định về việc sử dụng Ethylene Oxide trong nông nghiệp, thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm.
Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm, trong khi một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với sự chênh lệch rất lớn.
Theo dữ liệu trên hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU (RASFF), các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến Ethylene Oxide. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Italy (28).
Các sản phẩm có chứa Ethylene Oxide bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, bao gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ ca cao... Trong đó, đối tượng được tập trung nhiều nhất là vừng, phụ gia thực phẩm E410 (locust bean gum) và các sản phẩm có liên quan.