Bitcoin bùng nổ khi niềm tin vào các ngân hàng truyền thống lung lay. Ảnh: Reuters. |
"Bitcoin gần như sụp đổ sau thảm họa FTX, nhưng đợt phục hồi vừa qua cho thấy những người đặt cược ngược vào đồng tiền dường như đã sai lầm", Wall Street Journal nhận định.
Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã tăng 21% trong tháng này do cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng toàn cầu. Như vậy, Bitcoin tăng 70% giá trị kể từ đầu năm.
Hôm 19/3, Bitcoin lần đầu được giao dịch trên ngưỡng 28.000 USD/BTC kể từ tháng 6 năm ngoái.
Khi ngành ngân hàng chìm trong mớ hỗn độn, Bitcoin lại hưởng lợi. Ảnh: CoinMarketCap. |
Niềm tin vào hệ thống ngân hàng lung lay
Bitcoin tăng giá mạnh dù giới chức liên bang đang mạnh tay chấn chỉnh các công ty tiền mã hóa. Trong khi đó, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư cũng giảm đi đáng kể.
Nhiều người tin rằng đợt tăng giá sẽ không kéo dài và đã đặt cược ngược vào Bitcoin. Theo dữ liệu của hãng quản lý tài sản tiền mã hóa CoinShares, trong tuần trước, các nhà đầu tư đã bổ sung 35 triệu USD vào những sản phẩm hoán đổi danh mục nhằm đặt cược ngược đối với Bitcoin.
Nhưng tình trạng hỗn loạn của ngành ngân hàng, ngược lại, đã thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư Bitcoin. Họ tin rằng tiền mã hóa sẽ là một giải pháp thay thế cho hệ thống ngân hàng truyền thống.
Giá Bitcoin tăng mạnh kể từ đầu năm. Ảnh: CoinMarketCap. |
Vào năm 2007, Satoshi Nakamoto - nhân vật hoặc tổ chức ẩn danh sáng tạo ra Bitcoin - bắt đầu các nghiên cứu đầu tiên về Bitcoin. Đến tháng 1/2009, tức ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, mã Bitcoin được tải lên Internet và đi vào hoạt động.
Bitcoin đảm nhận nhiều vai trò, từ công cụ đầu cơ tới hàng rào chống lại rủi ro lạm phát. Nhưng cha đẻ Bitcoin sáng tạo ra đồng tiền này với mục đích trở thành phương tiện thanh toán.
Ban đầu, tiền mã hóa đã thu hút sự quan tâm lớn từ một nhóm nhà đầu tư, sau những thất bại của hàng loạt nhà băng và các cuộc giải cứu của chính phủ.
"Khi nhận thấy hệ thống ngân hàng đang gặp nguy hiểm, các vị sẽ thấy rằng Bitcoin được phát minh ra để miễn nhiễm với những rủi ro đó", Wall Street Journal dẫn lời ông Michael Safai tại công ty giao dịch tiền mã hóa Dexterity Capital nhận định.
Bitcoin hưởng lợi
Trên thực tế, sự phục hồi của Bitcoin đến từ số lượng ít ỏi nhà đầu tư giàu có. Dữ liệu của Kaiko chỉ ra hôm 20/3, số lượng giao dịch Bitcoin đang ở mức thấp nhất kể từ mùa hè năm ngoái.
"Rất nhiều người ủng hộ Bitcoin tin rằng lãi suất sẽ quay đầu giảm. Điều đó có thể kích hoạt một đợt tăng giá mới", ông Safai nhận định.
Những cú sốc trong lĩnh vực ngân hàng đã khiến các thị trường chao đảo trong vài tuần qua. Trong vỏn vẹn 11 ngày, 3 nhà băng Mỹ phá sản, ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ phải bán mình, và một nhà băng khu vực của Mỹ vẫn đang chật vật để duy trì hoạt động.
Ông Todd Morakis, đồng sáng lập JST Digital, tiết lộ công ty của ông đã mua Bitcoin trước khi giá bật tăng mạnh mẽ. Hiện hãng này đang cân nhắc xem nên chốt lời hay chưa.
"Toàn bộ mục đích của việc nắm giữ Bitcoin, ít nhất là ở thời điểm đầu, là sự thiếu tin tưởng vào hệ thống ngân hàng", ông chia sẻ.
"Nhưng tôi tin rằng đồng tiền này vẫn sẽ biến động theo thị trường chứng khoán Mỹ", vị chuyên gia nhận định.
Dù được ra đời như một phương tiện thanh toán, Bitcoin nhanh chóng trở thành một tài sản để đầu cơ vì những đợt tăng giá phi mã. Đồng tiền này thường xuyên bị chỉ trích là không có bất cứ giá trị cơ bản nào.
Hơn nữa, biến động về giá, tốc độ xử lý chậm và sự bấp bênh về quy định là những yếu tố khiến tiền mã hóa khó trở thành một phương tiện thanh toán. Rất ít thương nhân định giá hàng hóa hay dịch vụ bằng tiền mã hóa.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.