Khủng hoảng ngân hàng có thể khiến cuộc chiến lạm phát của Fed chệch hướng. Ảnh: Reuters. |
Theo Wall Street Journal, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - và các đồng nghiệp của mình đang đứng trước một cuộc họp khó khăn nhất trong nhiều năm. Câu hỏi đặt ra là có nên tiếp tục tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát dai dẳng, hay tạm dừng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008.
Quyết định đó có thể phụ thuộc vào cách thị trường phản ứng với "cuộc hôn nhân gượng ép" giữa UBS và Credit Suisse, hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, nhằm xoa dịu những rắc rối trong ngành ngân hàng.
Trong năm qua, Fed thường xuyên phát tín hiệu về các động thái lãi suất của mình nhằm giảm biến động trên các thị trường. Theo dữ liệu của CME Group, giới đầu tư hiện định giá khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm là 75%.
Quyết định khó khăn
Đối với các quan chức cho rằng hoạt động cho vay và những điều kiện tài chính sẽ bị thắt chặt hơn vì các cú sốc trong ngành ngân hàng, họ có thể nghiêng về việc tạm dừng tăng lãi suất.
Tuy nhiên, một số quan chức coi các cú sốc chỉ là tạm thời, và Fed nên tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát còn cao.
"Đó sẽ là một quyết định rất khó khăn", ông William English - cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của Fed, giáo sư tại Trường Quản lý Yale - bình luận.
Để hạ nhiệt lạm phát, ngân hàng trung ương Mỹ buộc phải đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế thông qua các điều kiện tài chính thắt chặt hơn, chẳng hạn chi phí đi vay cao hơn, giá cổ phiếu thấp hơn và đồng USD mạnh hơn, nhằm kìm hãm nhu cầu.
Quyết định tăng lãi suất có thể nhấn mạnh cam kết của Fed trong việc chống lạm phát.
Vụ phá sản của SVB khiến bài toán của Fed càng thêm hóc búa. Ảnh: Reuters. |
Fed đã giảm tốc độ tăng lãi suất còn 25 điểm cơ bản trong cuộc họp đầu tiên của năm 2023, sau bước nhảy 50 điểm cơ bản vào tháng 12/2022 và 75 điểm cơ bản trong tháng 11.
Trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn cho 2 cuộc điều trần tại Đồi Capitol mới đây, ông Jerome Powell đã cảnh báo rằng lãi suất điều hành có thể tăng vượt dự kiến của các nhà hoạch định chính sách.
Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ chỉ ra dữ liệu kể từ đầu năm cho thấy lạm phát đã đảo ngược đà giảm tốc vào cuối năm 2022.
Ngay sau đó, ngân hàng Silvergate Capital - một tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp tiền mã hóa - công bố kế hoạch ngừng hoạt động và bắt đầu thanh lý tài sản hôm 8/3.
Giữa buổi sáng 10/3, Silicon Valley Bank (SVB) bị các cơ quan quản lý Mỹ đóng cửa. Niềm tin của nhà đầu tư bị thiêu rụi sau sự sụp đổ đột ngột và kinh hoàng. Đây là vụ phá sản lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Giữa bê bối của SVB, thêm một ngân hàng nữa bị đóng cửa. Đó là Signature Bank, sau khi các khách hàng ồ ạt rút 20% tiền gửi. Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 3 tại Mỹ.
"Không nên tạm dừng tăng lãi suất"
Để đối phó với các rắc rối trong ngành ngân hàng, Fed đã cung cấp những khoản vay đến một năm cho các nhà băng nước này.
Không rõ các biện pháp này có thể xoa dịu vết thương trong ngành hay không. Giá cổ phiếu của First Republic Bank, một ngân hàng khu vực, vẫn giảm 80% trong tháng này.
Mớ hỗn độn trong ngành ngân hàng có thể dẫn tới sự suy yếu trong lĩnh vực cho vay, ngay cả khi không có thêm cuộc khủng hoảng nào nữa. Bởi các nhà băng sẽ đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn và phải tăng cường kiểm soát nội bộ nhằm giảm thiểu rủi ro.
Theo ước tính của các nhà kinh tế tại Goldman Sachs, việc thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay (do căng thẳng của ngành) có mức độ ảnh hưởng tương đương với việc tăng lãi suất điều hành 25 hoặc 50 điểm cơ bản.
Các quan chức Fed đã nhiều lần thừa nhận rằng họ buộc phải cùng lúc xử lý 2 vấn đề. Đó là lạm phát và bất ổn tài chính.
Không nên dùng chính sách tiền tệ để đối phó với mọi vấn đề, và rồi chẳng thể giải quyết cái nào
Ông John Williams - Chủ tịch Fed New York
Một số quan chức tiết lộ rằng họ sẽ sử dụng các công cụ cho vay khẩn cấp để ổn định lĩnh vực tài chính. Nhờ đó, Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt giá cả.
"Việc sử dụng chính sách tiền tệ để bít các lỗ hổng có thể mang tới những tác động tiêu cực tới nền kinh tế", ông John Williams - Chủ tịch Fed New York - nhấn mạnh trong một phát biểu vào tháng 11/2022.
"Không nên dùng chính sách tiền tệ để đối phó với mọi vấn đề, và rồi chẳng thể giải quyết cái nào", ông nhấn mạnh.
"Tôi khuyên họ (PV: Fed) nên tiếp tục với tốc độ 25 điểm cơ bản. Bởi nếu tạm dừng, vấn đề sẽ càng nghiêm trọng hơn", ông Richard Clarida - Phó chủ tịch Fed từ năm 2018 đến 2022 - nhận định.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.