Nhìn tấm ảnh cô em họ tươi cười, rạng rỡ cầm tấm bằng đại học và khoác trên mình chiếc áo cử nhân, tôi thấy vui cho em. Cô tân sinh viên ngày nào còn bỡ ngỡ với thủ đô đông đúc, nhút nhát đến độ không dám qua đường một mình hôm nay đã trở thành cử nhân. Chặng đường đầy ắp kỷ niệm của tuổi trẻ đã ở lại sau lưng.
Lang thang trên Facebook một hồi, tôi đọc được một tâm sự khá dài của một cô em học dưới tôi vài khóa ở trường cấp III. Từng dòng, từng chữ thể hiện rõ sự rối bời và thất vọng. Cô gái ấy ra trường đã hơn 1 năm và hiện tại đang thất nghiệp. Em đã đi làm ở vài nơi, nhưng chỉ được dăm ba tháng lại nghỉ với nhiều lý do: lương thấp, công việc không phù hợp với chuyên môn được đào tạo, sếp khó tính, môi trường làm việc nhiều áp lực…
Sau khi giãi bày hết sự thất vọng và chán nản về tương lai mịt mờ phía trước, cô gái ấy tỏ ra ghen tỵ với những người bạn cùng lứa. Những người đang có một công việc ổn định trong các cơ quan nhà nước. Em cho rằng họ không có gì hơn em, không tốt nghiệp đại học ở ngôi trường danh giá như trường mà em đã theo học. Những người bạn của em có được công việc tốt, nhàn hạ, đơn giản vì gia đình họ có mối quan hệ, có tiền, gặp thời…
Cử nhân thất nghiệp đã không còn là chuyện hiếm. |
Tôi không thể bình luận gì về chuyện này, đơn giản vì tôi không quen biết những người em đang nói và cũng chẳng hiểu thấu nội tình bên trong. Tôi chỉ thấy buồn cho cô em khóa dưới. Dường như em đã lớn mà chẳng chịu trưởng thành, vẫn muốn sống như những cây tầm gửi, chỉ chực chờ tìm một nơi vững vàng để dựa dẫm. Liệu em có biết giá trị thực sự của tấm bằng đại học mà mình đang cầm trên tay hay không?
Đến đây, tôi nhớ đến câu hỏi mà thầy trưởng khoa đã hỏi chúng tôi trên giảng đường khi đang còn là sinh viên năm nhất: “Chúng ta đi học để làm gì?”. Học để lấy được một tấm bằng cử nhân hay học để có kỹ năng làm việc? Bằng cấp mà không đi liền với kỹ năng thì đó chỉ là một tờ giấy vô giá trị. Giá trị đích thực mà trường đại học hay bất cứ một cơ sở giáo dục nào mang lại là kỹ năng làm việc, là giá trị đi liền với con người chứ không phải là những tờ giấy vô tri.
Có lần, tôi được nghe giám đốc trẻ của một doanh nghiệp chia sẻ về quá trình tuyển dụng nhân sự ở công ty của anh. Do công ty mới thành lập và không thể chi quá nhiều vốn vào vấn đề nhân sự, nên anh quyết định chỉ thuê một kế toán có kinh nghiệm, hai vị trí còn lại anh dành chỗ cho các bạn sinh viên mới ra trường để tiết kiệm chi phí. Tuyển dụng người trẻ, vừa mới chân ướt, chân ráo bước ra khỏi cổng trường đại học không phải là chuyện đơn giản.
Các bạn không có kinh nghiệm làm việc, điều đó đã nằm trong dự tính của nhà tuyển dụng. Khi chỉ bỏ ra một mức lương thấp hơn so với những người đã có kinh nghiệm để thuê bạn thì họ sẵn sàng chấp nhận điều đó. Nhưng thật đáng buồn khi nhiều bạn trẻ thiếu cả những kỹ năng cơ bản để làm việc.
Chúng ta nên nghĩ gì khi một người tốt nghiệp chuyên ngành kế toán lại không sử dụng thành thạo các kỹ năng cơ bản của Excel, một người được đào tạo về hành chính- nhân sự đang chật vật "mổ cò" từng chữ để hoàn thành một văn bản…
Đừng ảo tưởng về sức mạnh của tấm bằng đại học. Ngay cả khi bạn có được tấm bằng của một trường đại học danh giá, nó cũng không trở thành chìa khóa vạn năng để bạn có một công việc tốt. Hãy nghĩ tới giá trị bên trong của một tấm bằng, đó là những gì có trong đầu bạn, là kỹ năng làm việc, khả năng thích ứng với môi trường, kỹ năng giao tiếp - ứng xử.
Được đào tạo ở một trường đại học có tiếng, có thể hồ sơ của bạn sẽ gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng. Nhưng sau vòng chọn hồ sơ, vòng phỏng vấn, bạn còn phải thử việc trong vài tháng trước khi trở thành nhân viên chính thức. Một tấm bằng “hữu danh vô thực” liệu có giúp bạn vượt qua cả một chặng đường dài hay không?
Nhiều bạn tân sinh viên cảm thấy lâng lâng khi bước vào giảng đường đại học. Sao học đại học nhàn thế, không bài tập về nhà, không ai đốc thúc hay kiểm tra hàng ngày như thời học phổ thông. Chỉ bỏ ra vài tuần để ôn tập trước khi là có thể đạt được điểm cao. Học đại học không đơn giản thế đâu, bởi có những thứ cần học không có trên giảng đường.
Tôi có một cô bạn gia đình khá giả nhưng suốt thời sinh viên vẫn cần mẫn đi làm phiên dịch bán thời gian. Có những ngày về nhà vào tối muộn, cô chỉ ăn tạm bát mì rồi ôn bài và nghỉ ngơi để lấy sức ngày mai lên giảng đường. Bạn bè cô nhiều người cho rằng cô chẳng cần phải đi làm thêm cho cực thân, số tiền bố mẹ chu cấp cũng đủ cho cô chi tiêu thoải mái. Bạn tôi chỉ cười.
Ngoài tấm bằng đại học, hãy trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng làm việc và sự tự tin. |
Ra trường, trong khi bạn bè chật vật để kiếm một chỗ làm, thì cô tiểu thư ương ngạnh ấy nhận được 2 lời mời của hai công ty lớn với mức lương mà nhiều sinh viên mới ra trường ao ước. Vậy mới biết, những buổi tối mải miết đi làm thêm của cô bạn tôi đã được trả công xứng đáng.
Nếu không trang bị cho mình thêm nhiều kỹ năng khác, tấm bằng đại học sẽ không phát huy được tác dụng của nó.
Đừng chỉ mang theo tấm bằng đại học ra khỏi giảng đường. Hãy chuẩn bị hành lý thật kỹ càng với kỹ năng làm việc, phong thái tự tin, suy nghĩ trưởng thành và cuối cùng mới là bằng cấp. Bởi bằng đại học chỉ như “tấm hộ chiếu” trên con đường gây dựng sự nghiệp, đi được bao xa còn tùy vào đôi chân của mỗi người.