Đi làm về, tôi thấy cậu nhóc hàng xóm ngồi buồn thiu ở cửa. Bé Voi đang chơi cùng chiếc ôtô yêu thích với một ánh mắt vô hồn, không hứng thú, khác hẳn với vẻ lanh lợi, hoạt bát hàng ngày.
- Bạn học sinh lớp một sao trông buồn vậy nhỉ?
Nghe thấy tôi hỏi, Voi ngẩng đầu lên chào và đủng đỉnh đáp:
- Lớp 1 chẳng có gì vui hết! Vậy mà ngày trước cô bảo con đi học lớp một vui lắm.
- Voi thông minh như thế, có thể tự đọc sách, đọc truyện, lại biết làm toán nữa. Vậy con phải vui mới đúng chứ?
- Mấy cái cô giáo dạy, con đã biết hết cả rồi. Thấy buồn, con ngồi nói chuyện với bạn thì bị cô mắng. Bây giờ, lên lớp một ai cũng phải học bài, chẳng có bạn nào chơi với con cả.
Hai cô cháu đang nói chuyện thì mẹ bé Voi từ trong nhà đi ra. Thấy con trai đang ngồi chơi, chị liền gắt:
- Vào nhà luyện chữ nhanh lên, Voi! Bài tập viết của con hôm nay bị cô giáo phê bình đấy! Bạn Sóc, bạn Thỏ ai cũng viết chữ đẹp hơn con đấy có biết không?
Việc cho trẻ học thêm trước khi vào lớp một liệu có cần thiết? |
Thằng bé lí nhí chào tôi rồi vội vàng đi vào trong nhà. Tôi tưởng tượng ra gương mặt buồn của cậu nhóc khi ngồi bên bàn học. Nhìn thấy tôi, mẹ bé Voi liền kéo lại tỉ tê.
Chị đã đưa thằng bé đi học thêm ở nhà của một cô giáo chuyên dạy kèm cho trẻ chuẩn bị vào lớp một từ trước khi năm học mới bắt đầu. "Bây giờ trẻ con nhiều đứa đi học trước, nếu con mình không học sẽ thua kém chúng bạn. Tưởng con chỉ cần đọc thông viết thạo và biết làm toán là đủ, nên bố mẹ lơ là chuyện luyện chữ cho Voi. Chữ của nó không đẹp bằng các bạn nên thỉnh thoảng lại bị cô giáo phê bình" - mẹ bé Voi trút tâm sự.
Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Voi. Nó đã trở thành “cảnh ngộ” của nhiều bạn nhỏ khác. Cuối tháng tám, đầu tháng chín, năm học mới bắt đầu, nhưng việc “chuẩn bị” vào lớp một của các bạn nhỏ thì đã diễn ra từ trước đó khá lâu. Thậm chí, vừa mới ăn Tết xong, nhiều bậc phụ huynh đã tìm lớp để cho con học thêm. Đó là cách “làm quen” với lớp một của nhiều bạn nhỏ.
Các lớp học dạy trẻ cho chuẩn bị vào lớp một được mở ra ở nhiều nơi. Lớp ít thì có tầm 3-5 bạn, lớp đông thì số lượng học sinh lên tới con số hàng chục. Có “cầu” thì ắt hẳn sẽ có “cung”, đó là quy luật muôn thuở. Trong những căn phòng học chật chội, tiếng đọc bài ê a vẫn vang lên đều đều.
Có một câu hỏi rất cũ: “Học để làm gì?”. Học để khám phá, học để hiểu biết, hay học tập là một thước đo để đánh giá con người, xem ai hơn ai kém?
Hãy tạo cho con một tâm lý thoải mái để trẻ cảm thấy học tập là một công việc thú vị! |
Bọn trẻ dành cả 7-8 tiếng mỗi ngày ở trường. Nếu phải học tập trong một môi trường đầy rẫy áp lực thì mỗi ngày trôi qua sẽ rất khủng khiếp đối với bọn trẻ. Tại sao chúng ta không biến “mỗi ngày đến trường thành một ngày vui”? Phải tiếp thu kiến thức mới, tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng đủ để lấy đi phần lớn năng lượng của các con rồi. Tại sao cha mẹ còn phải so kè hơn thua với chúng bạn để bọn trẻ thêm áp lực?
Học tập là một công việc quan trọng, chúng ta phải trân trọng tri thức, bởi chúng là kho báu vô giá. Vậy nên, cần phải rèn luyện cho con trẻ thói quen học tập một cách nghiêm túc. Tri thức là phương tiện để chúng ta hoàn thiện bản thân. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc luôn so sánh con trẻ với bạn bè. Chỉ cần con cố gắng hết mình và tiến bộ mỗi ngày đã là một món quà tuyệt vời mà bọn trẻ dành cho chính mình và cha mẹ.
Gần đây, tôi có đọc bài viết của một người bạn đang sinh sống tại Pháp. Chị có một cô con gái đang học tiểu học. Theo như chị chia sẻ: ở Pháp, việc đánh giá học sinh sẽ được giữ bí mật và không công bố trước lớp. Các bậc phụ huynh cũng không biết con mình “xếp thứ bao nhiêu trong lớp”. Nếu bé học quá đuối, giáo viên mới kèm cặp thêm hoặc thông báo cho phụ huynh khi thấy cần thiết.
Kèm theo bài viết rất dài là một đoạn clip về một cô bé con đang vui vẻ kể về một ngày đi học. Trong giờ học tiếng Pháp, cô giáo còn giới thiệu với cả lớp về cuộc đời của những con bướm xinh đẹp. Hóa ra, trước khi mang trên mình đôi cánh rực rỡ, chúng từng là những con sâu và có thể trông hơi đáng sợ. Nhưng sau thời gian dài ủ mình trong kén, chúng đã lột xác và trở nên xinh đẹp.
Việc học phải chăng cũng giống như vậy. Từ một em bé còn ngơ ngác với bao điều chưa hiểu, trải qua một thời gian dài rèn luyện dần trở thành một con người thông minh và hiểu biết. Hãy biến mỗi ngày đến trường là một ngày vui của con trẻ. Đó không chỉ là việc của thầy cô, đó còn là trách nhiệm của cha mẹ.
Thấy gương mặt vui vẻ của cô nhóc trên đất Pháp, tôi lại nhớ về đôi mắt buồn của bé Voi. Có khi nào những áp lực học hành và việc đem con cái ra so sánh với chúng bạn khiến lớp một không còn đẹp đẽ như trong tưởng tượng của lũ trẻ?
Chỉ mong hãy giữ mãi trong lòng con trẻ những ký ức, những cảm xúc sáng trong, bồi hồi, tràn ngập sự háo hức của buổi đầu đi học, như Thanh Tịnh từng viết: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.