Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Steve Jobs được nhận làm con nuôi khi vừa sinh ra

Jobs sẵn sàng nổi đóa với bất cứ ai gọi Paul và Clara Jobs là bố mẹ “nuôi” hay ngụ ý họ không phải là bố mẹ “thật” của ông. Jobs nhấn mạnh rằng “Họ là bố mẹ của tôi 1000%”.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Paul Jobs giải ngũ khỏi Lực lượng Cảnh sát biển. Con tàu ông phục vụ đã hoàn thành nhiệm vụ và dừng chân ở San Francisco, và Paul đánh cược với đồng đội rằng ông sẽ tìm được vợ trong vòng hai tuần. Là thợ máy có thân hình lực lưỡng với nhiều hình xăm, chiều cao trên 1,8 m, trông Paul rất giống tài tử điện ảnh James Dean.

Nhưng vẻ ngoài hấp dẫn ấy không phải là lý do giúp ông hẹn hò được với Clara Hagopian, cô con gái hóm hỉnh của một người Armenia nhập cư. Cuộc gặp đầu tiên diễn ra thật tình cờ khi Clara đi nhờ xe của Paul và các bạn ông đến dự cùng một buổi tiệc.

Mười ngày sau, tháng 3 năm 1946, Paul đính hôn với Clara và thắng vụ đánh cược. Cuộc hôn nhân này đã có một kết thúc hạnh phúc và không gì có thể chia cắt được họ ngoại trừ cái chết, chỉ xảy ra hơn 40 năm sau đó. […]

Tuy nhiên, cuộc sống của họ chưa vẹn toàn. Họ muốn có con,nhưng không may mắn. Clara từng có mang nhưng thai ngoài dạ con nên bà không thể sinh nở được nữa. Vì thế, năm 1955, sau chín năm kết hôn, họ quyết định xin con nuôi.

Cũng giống như Paul Jobs, Joanne Schieble sinh ra trong một gia đình nông thôn vùng Wisconsin, gốc Đức. Cha bà, Arthur Schieble, đã di cư đến vùng ngoại ô của Green Bay, nơi vợ chồng ông gây dựng một trang trại nuôi chồn và thành công trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, bao gồm cả bất động sản và quang khắc (khắc bằng ánh sáng trên bản kẽm).

Arthur rất nghiêm khắc, nhất là về các mối quan hệ của cô con gái. Ông đã phản đối gay gắt mối tình đầu của Joanne với một nghệ sĩ không phải là người Công giáo. Vì vậy, không lấy gì làm ngạc nhiên khi ông dọa sẽ từ mặt Joanne, khi đó đã là sinh viên tốt nghiệp Đại học Wisconsin và cô đang đem lòng yêu Abdulfattah “John” Jandali, một trợ giảng theo Đạo Hồi đến từ Syria. […]

Mùa hè năm 1954, Joanne đã cùng Abdulfattah tới Syria. Họ ở Homs hai tháng và Joanne đã học được cách nấu vài món ăn Syria từ gia đình anh. Khi hai người trở về Wisconsin, Joanne phát hiện mình mang bầu. Lúc đó, mặc dù cả hai đều đã hai mươi ba tuổi, nhưng họ quyết định không kết hôn vì lúc đó cha của Joanne đang hấp hối và ông từng đe dọa sẽ từ mặt con gái nếu cô cưới Abdulfattah.

Hơn thế nữa, việc nạo phá thai cũng không phải là một lựa chọn dễ dàng trong thế giới những người theo Công giáo. Vì vậy, đầu năm 1955, Joanne tới San Francisco. Tại đây bà đã gặp và được một vị bác sĩ tốt bụng giúp đỡ. Ông đã che chở cho người mẹ độc thân, đỡ đẻ và âm thầm sắp xếp việc cho nhận con nuôi.

Steve Jobs anh 1

Paul Jobs với Steve, năm 1956. Nguồn: idntimes.

Yêu cầu của Joanne là con bà phải được gửi vào một gia đình có trình độ học vấn đại học. Vì vậy, vị bác sĩ dự định giao con của Joanne cho cặp vợ chồng luật sư. Nhưng vào ngày cậu bé ra đời - ngày 24/2/1955 - cặp vợ chồng này lại quyết định từ chối vì họ muốn nhận một bé gái. Vì vậy, thay vì trở thành con nuôi của cặp vợ chồng luật sư, cậu bé được một người thợ cơ khí bỏ học trung học nhưng có niềm đam mê mãnh liệt với máy móc và vợ ông, một kế toán viên, nhận nuôi; cặp vợ chồng này là Paul và Clara. Họ đặt tên cậu bé là Steven Paul Jobs.

Khi Joanne phát hiện ra con trai mình được một cặp vợ chồng thậm chí còn chưa tốt nghiệp trung học nhận nuôi, bà từ chối ký các giấy tờ liên quan đến việc giao nhận con nuôi. Sự bất đồng này kéo dài vài tuần, kể cả sau khi Steve đã được đưa về gia đình Jobs. Cuối cùng, Joanne cũng khoan nhượng đồng ý cho vợ chồng Jobs nhận nuôi cậu bé với điều kiện bố mẹ nuôi phải cam kết sẽ mở tài khoản tiết kiệm để lo cho Steve học đại học sau này.

Một lý do khác khiến Joanne lúc đầu khăng khăng không ký giấy chuyển nhận con nuôi là vì cha bà sắp mất và bà dự định sẽ kết hôn với Jandali ngay sau đó. Bà hy vọng rằng sau khi cưới nhau, họ sẽ dần thuyết phục được gia đình và nhận lại con.

Arthur Schieble qua đời vào tháng 8 năm 1955, sau khi việc nhận con nuôi đã hoàn tất. Ngay sau Giáng sinh năm đó, Joanne và Abdulfattah kết hôn tại Thánh đường Philip - một nhà thờ Công giáo ở Green Bay. Một năm sau, Abdulfattah lấy bằng Tiến sĩ Chính trị quốc tế và họ có thêm một cô con gái đặt tên là Mona.

Sau khi Joanne và Jandali ly dị vào năm 1962, Joanne bắt đầu một cuộc sống mơ mộng và đã chu du khắp nơi cùng con gái, Mona Simpson. Sau này khi trở thành tiểu thuyết gia nổi tiếng được nhiều người biết đến, Mona đã đưa nguyên mẫu về cuộc sống của người mẹ vào trong cuốn sách có tựa đề Anywhere but Here (tạm dịch: Không đâu ngoài nơi đây). Việc cho Steve làm con nuôi cũng được giữ bí mật và vì thế phải gần hai mươi năm sau hai anh em mới được gặp lại nhau.

Từ khi còn rất nhỏ, Steve Jobs đã biết mình là con nuôi. “Cha mẹ tôi rất cởi mở với tôi về chuyện đó”, ông nhớ lại. Steve nhớ rất rõ, hồi 6-7 tuổi, có lần ông ngồi trên bãi cỏ nhà mình nói chuyện với cô bạn ở nhà đối diện. “Cậu được nhận nuôi vì bố mẹ đẻ không cần cậu nữa phải không?”. Cô bạn đó hỏi Steve. “Một luồng điện chạy qua đầu tôi”, Jobs bồi hồi nhớ lại. “Tôi nhớ mình đã chạy về nhà, rồi khóc nức nở.

Và cha mẹ nuôi đã nói: "Điều đó không đúng, con phải hiểu điều đó. Ông bà đã nghiêm nghị nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: Chính chúng ta đã đặc biệt muốn nhận nuôi con. Từng câu, từng chữ được cả cha và mẹ nuôi tôi nhắc đi nhắc lại một cách rành mạch”.

Bị bỏ rơi. Được lựa chọn. Đặc biệt. Những khái niệm đó đã trở thành một phần con người Jobs và phong cách sống của ông. Những người bạn thân của ông cho rằng tuổi thơ của Jobs với ý nghĩ mình bị cho làm con nuôi đã để lại những tổn thương trong ông. […]

Sau này, khi Steve ở tầm tuổi người cha đẻ lúc bỏ rơi ông, ông cũng từ chối trách nhiệm của một người cha với con ruột mình. (Về sau, ông đã nhận lại con). Chrisann Brennan, mẹ của đứa trẻ, nói rằng chính việc bị bỏ rơi từ khi còn bé khiến Jobs như “một chiếc ly dễ vỡ” và đó cũng là nguyên nhân giải thích cho những hành động của ông. […]

Nhưng Steve đã bác bỏ điều này. “Có một số nhận định cho rằng bởi vì tôi bị bỏ rơi nên tôi đã làm việc rất chăm chỉ và cố làm thật tốt để khiến bố mẹ đẻ muốn nhận lại tôi. Cũng có một vài nhận định vô nghĩa khác. Tất cả đều thật nực cười!”. Ông nhấn mạnh. “Việc biết mình bị bỏ rơi và được nhận nuôi thực tế đã giúp tôi tự lập hơn, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi. Ngược lại, chính cha mẹ nuôi khiến tôi thấy mình đặc biệt”.

Jobs sẵn sàng nổi đóa với bất cứ ai gọi Paul và Clara Jobs là bố mẹ “nuôi” hay ngụ ý họ không phải là bố mẹ “thật” của ông. Jobs nhấn mạnh rằng “Họ là bố mẹ của tôi 1000%”. Còn khi nói về bố mẹ đẻ của mình, Jobs lại lạnh lùng: “Họ chỉ là những người cung cấp tinh trùng và trứng. Chẳng có gì cay nghiệt cả, đó là cách để nhìn nhận sự việc, đơn giản là ngân hàng tinh trùng và trứng, không gì khác”.

Walter Isaacson / Alpha Books - NXB Thế giới

SÁCH HAY