“Nếu chúng tôi có thể mua dầu từ bất kỳ nguồn nào khác, chúng tôi sẽ mua từ đó. Nếu không, chúng tôi có thể phải đến Nga một lần nữa”, ông nói.
Phát ngôn của ông Wickremesinghe được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với AP hôm 11/6, 2 tuần sau khi Sri Lanka mua 90.000 tấn dầu thô của Nga để khởi động lại nhà máy lọc dầu duy nhất của mình, theo AP.
Động thái của Sri Lanka được đưa ra bất chấp phần lớn các phương Tây đang cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga theo các lệnh trừng phạt lên Moscow để phản đối "chiến dịch" của họ ở Ukraine.
Ông Wickremesinghe nói rằng Sri Lanka rất cần nhiên liệu và đang cố gắng mua dầu và than từ các nhà cung cấp truyền thống ở Trung Đông.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe. Ảnh: AP. |
Sri Lanka hiện gánh 51 tỷ USD nợ nước ngoài, và đã khất lại việc chi trả gần 7 tỷ USD đến hạn trong năm nay.
Nợ nần chồng chất đã khiến đất nước không còn tiền để nhập khẩu cơ bản, đồng nghĩa với việc người dân đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men, thậm chí cả giấy vệ sinh và diêm.
Tình trạng thiếu điện đã dẫn đến thường xuyên mất điện, và người dân buộc phải chờ đợi nhiều ngày trong dòng người xếp hàng dài hàng km để mua xăng và khí đốt.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Wickremesinghe cũng nói rằng ông sẵn sàng chấp nhận trợ giúp tài chính nhiều hơn từ Trung Quốc, bất chấp nợ nần chồng chất của đất nước.
Thủ tướng cũng thừa nhận rằng tình trạng khó khăn hiện tại của Sri Lanka có nguồn gốc từ bên trong đất nước, nhưng xung đột ở Ukraine đang làm cho cuộc khủng hoảng thậm chí còn tồi tệ hơn, và tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng có thể tiếp tục cho đến năm 2024. Ông cho biết Nga cũng đã cung cấp lúa mì cho Sri Lanka.