“Không có khí đốt, dầu hỏa, chúng tôi không thể làm được gì. Cuối cùng, không có thức ăn, chúng tôi sẽ chết. Điều đó chắc chắn sẽ xảy ra”, Mohammad Shazly, một tài xế bán thời gian đứng xếp hàng trước một cửa hàng bán bình gas nấu ăn tại Colombo, Sri Lanka, chia sẻ hôm 20/5.
Shazly cho biết đây là ngày thứ ba liên tiếp anh đến xếp hàng để mua nhiên liệu nấu ăn cho gia đình 5 người của mình, Reuters đưa tin.
Một phụ nữ tên A.P.D. Sumanavathi, 60 tuổi, bán trái cây và rau củ trong chợ Pettah ở thủ đô Colombo, cũng cho biết: “Tôi không thể đoán trước mọi thứ sẽ như thế nào trong hai tháng tới. Với tốc độ (suy thoái) này, có khi chúng tôi sẽ chẳng còn có mặt ở đây nữa”.
Sri Lanka đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế. Ảnh: NurPhoto. |
Vào tháng 4/2021, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã ra quyết định cấm tất cả loại phân bón hóa học, khiến sản lượng lương thực của Sri Lanka bị cắt giảm đáng kể. Mặc dù chính phủ đã dỡ bỏ lệnh cấm này sau đó, vẫn chưa có hoạt động nhập khẩu phân bón với quy mô đáng kể nào được thực hiện.
Hôm 19/5, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết: “Mặc dù có thể không còn thời gian để mua phân bón cho vụ mùa Yala (tháng 5-8) này, (chúng tôi) đang thực hiện các bước để đảm bảo đủ lượng dự trữ cho vụ mùa Maha (tháng 9 đến tháng 3 năm sau)”.
"Tôi chân thành kêu gọi người dân chấp nhận sự nghiêm trọng của tình hình (hiện nay)", ông viết trên Twitter.
Vào ngày 19/5, Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ lần đầu tiên, giữa lúc chính phủ đang vật lộn với tình trạng thiếu ngoại hối, nhiên liệu và thuốc men nghiêm trọng.
Thống đốc ngân hàng trung ương Nandalal Weerasinghe hôm 19/5 cũng cảnh báo rằng lạm phát ở nước này có thể sẽ tăng lên 40% trong những tháng tới. Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến đất nước này thiếu ngoại tệ để nhập khẩu lương thực và nhiên liệu.