Các nhà hoạch định chính sách Sri Lanka đã tuyên bố với các chủ nợ rằng quốc gia này sẽ không thể thanh toán cho đến khi khoản nợ được tái cơ cấu và do đó sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ trước hạn, Thống đốc ngân hàng trung ương Nandalal Weerasinghe cho biết tại cuộc họp hôm 19/5.
Thống đốc Weerasinghe cũng cảnh báo rằng lạm phát có thể sẽ tăng lên 40% trong những tháng tới. Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến đất nước này thiếu ngoại tệ mạnh để nhập khẩu lương thực và nhiên liệu.
Đây là lần đầu tiên Sri Lanka vỡ nợ kể từ khi nước này giành được độc lập từ Anh vào năm 1948. Nước này đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để xin một gói cứu trợ và cần đàm phán tái cấu trúc nợ với các chủ nợ. Trước đó, nước này cho biết họ cần khoảng 3-4 tỷ USD trong năm nay để thoát khỏi khủng hoảng.
Sri Lanka đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế. Ảnh: NurPhoto. |
Sự tức giận của công chúng đã bùng lên thành các cuộc biểu tình và khiến chính phủ vào tháng trước tuyên bố sẽ ngừng thanh toán khoản nợ nước ngoài trị giá 12,6 tỷ USD để bảo toàn tiền mặt cho các mặt hàng thiết yếu.
Các khoản tiền lãi, ban đầu đến hạn vào ngày 18/4, trị giá 78 triệu USD trên các trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 và 2028, đã hết hạn vào ngày 18/5 sau khi được thêm 30 ngày ân hạn.
Ông Weerasinghe ngày 19/5 cho biết ông muốn chứng kiến việc bổ nhiệm bộ trưởng Tài chính để ký kết bất kỳ thỏa thuận viện trợ nào.
Trước đó, trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 16/5, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết kho dự trữ xăng của nước này sắp cạn kiệt.
Tuy nhiên, tình hình chính trị của quốc gia này đã được cải thiện với việc bổ nhiệm thủ tướng.
Theo ông Weerasinghe, đó là nguyên nhân khiến ông tiếp tục công việc.
Tuần trước, ông từng tuyên bố sẽ nghỉ việc nếu sự ổn định chính trị không sớm trở lại.
“Với thủ tướng và nội các, và quốc hội đang họp, tình hình ở Sri Lanka đã cải thiện hơn và dường như đang đi đúng hướng. Đây có lẽ là thời điểm tốt nhất để đầu tư vào Sri Lanka vì chúng tôi cung cấp tỷ suất sinh lợi hấp dẫn”, ông Weerasinghe nói.