Một phi trường vắng máy bay, một nhà hàng thiếu thực khách hay một cảng biển trĩu nợ - những dự án nhận vốn từ Trung Quốc đã làm trầm trọng hơn khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka. Lúc này đây, chúng còn trở thành chứng tích cho sự lãng phí của chính quyền.
Đảo quốc Nam Á này đã phải vay mượn số tiền lớn để bù lại khoản thâm hụt ngân sách và thương mại nhiều năm. Nhưng phần lớn các khoản vay ấy bị phung phí vào những dự án cơ sở hạ tầng yếu kém và càng gây thêm áp lực cho túi tiền nhà nước.
Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất trong hơn 70 năm trở lại. 22 triệu dân trên quốc đảo Nam Á này bị thiếu hụt thức ăn, nhiên liệu và gặp phải tình trạng cắt điện thường xuyên.
Tình trạng bạo lực đã xảy ra hôm 10/5, sau khi nhóm ủng hộ chính phủ đụng độ với người biểu tình đòi lãnh đạo đất nước từ chức, khiến ít nhất 8 người chết và hơn 225 người bị thương.
Những dự án bỏ không
Rất nhiều trong số những dự án kém hiệu quả của Sri Lanka đang nằm tích bụi tại quận Hambantora, quê hương của gia đình Rajapaksa. Chính gia đình này đã dùng sức ảnh hưởng và các khoản vay tỷ USD từ Trung Quốc để cố biến vùng nông thôn này thành trung tâm kinh tế lớn nhưng thất bại.
Thủ tướng Manhinda Rajapaksa - người bật đèn xanh cho nhiều dự án - đã tuyên bố từ chức vào hôm 10/5, cùng ngày cuộc biểu tình chống chính phủ có bước chuyển bạo lực. Nhưng em trai của ông, Gotabaya Rajapaksa vẫn giữ chức tổng thống Sri Lanka.
Cảng Hambantora từng được hy vọng sẽ thúc đẩy công nghiệp nhưng trên thực tế nó đã gây lỗ lớn kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Đóng vai trò trung tâm trong đợt xúc tiến cơ sở hạ tầng của Sri Lanka là cảng biển nước sâu Hambantora nằm trên tuyến hành lang vận chuyển đông - tây nhộn nhịp của thế giới.
Dự án này từng được hy vọng sẽ thúc đẩy công nghiệp, nhưng trên thực tế nó đã gây lỗ lớn kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động.
“Chúng tôi rất hy vọng khi những dự án này được công bố, và khu vực này đúng là đã được cải thiện”, ông Dinuka, một người dân sống lâu năm tại Hambantora, nói. “Nhưng lúc này nó chẳng có nghĩa lý gì. Cái cảng đấy không thuộc về chúng tôi nữa và chúng tôi phải chật vật để sống”.
Cảng Hambantora không thể trả lại khoản tiền tương đương 1,4 tỷ USD vay từ Trung Quốc để phục vụ quá trình xây dựng, với mức lỗ 300 triệu USD trong 6 năm. Năm 2017, một công ty nhà nước của Trung Quốc được thuê lại cảng biển với thời hạn 99 năm.
Thỏa thuận trên đã làm dấy lên lo ngại khắp khu vực, trước việc Bắc Kinh đã có thể có được một bước đệm trên vùng biển Ấn Độ Dương.
Nhìn xuống cảng biển là một dự án khác được xây nhờ tiền Trung Quốc: Một trung tâm hội nghị trị giá 15 triệu USD gần như không được sử dụng từ khi mở cửa.
Gần đó là sân bay Rajapaksa, vốn được xây dựng nhờ khoản vay tương đương 200 triệu USD từ Trung Quốc. Sân bay này rất ít khi được sử dụng, đến mức từng có lần nơi đây không thể trả được hóa đơn tiền điện.
Tại thủ đô Colombo là dự án thành phố cảng cũng do Trung Quốc tài trợ với mục tiêu xây dựng đảo nhân tạo rộng gần 2,7 km2 để làm trung tâm tài chính có thể sánh ngang Dubai. Nhưng giới phê bình đã lên tiếng cảnh báo dự án này có thể trở thành “bẫy nợ ngầm”.
Phối cảnh dự án thành phố cảng do Trung Quốc tài trợ tại thủ đô Colombo. Ảnh: SCMP. |
Chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka
Trung Quốc là chủ nợ song phương lớn nhất của Sri Lanka, nắm giữ ít nhất 10% trong khối nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD của quốc đảo này. Nhưng giới phân tích cho rằng con số thực tế cao hơn đáng kể nếu tính đến các khoản vay mà doanh nghiệp nhà nước và Ngân hàng Trung ương Sri Lanka nhận được.
Việc đi vay đã góp phần tạo nên tình trạng tài chính khó khăn của Sri Lanka, sau nhiều năm nước này vay mượn để bù vào thâm hụt ngân sách và để có tiền nhập khẩu các sản phẩm cần thiết cho nền kinh tế.
“Tình trạng phung phí tài chính trong nhiều thập kỷ cùng sự quản lý yếu kém đã khiến chúng tôi gặp rắc rối”, ông Murtaza Jafferjee, Chủ tịch Viện Advocata - một viện chính sách độc lập của Sri Lanka, nói.
Áp lực kinh tế đè nặng lên Sri Lanka sau khi đại dịch cắt đứt nguồn thu nhập quan trọng của nước này là du lịch và dòng tiền gửi về từ nước ngoài. Do có nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu, Sri Lanka không thể mua sắm các mặt hàng thiết yếu từ nước ngoài.
Khi không thể trả được khoản nợ ngày càng lớn, Sri Lanka bị hạ điểm tín nhiệm, khiến nước này khó tiếp cận các khoản vay mới trên thị trường tiền tệ quốc tế. Tháng 4, chính phủ Sri Lanka đã tuyên bố vỡ nợ đối với khoản nợ nước ngoài.
Tháp Sen (trái), một tòa tháp chọc trời có hình dáng bông hoa được xây dựng nhờ tiền vay từ Trung Quốc, tại Colombo. Không gian bên trong tòa tháp chưa bao giờ mở cửa đón công chúng. Ảnh: AFP. |
Sri Lanka từng cố gắng tái đàm phán lịch trình thanh toán mới với Trung Quốc nhưng thay vào đó, Bắc Kinh đề xuất các khoản vay song phương mới.
Sri Lanka bỏ qua đề xuất trên và kêu gọi sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Động thái này gây thất vọng vì các chủ nợ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải chấp nhận mức thanh toán ít hơn so với khoản cho vay.
“Trung Quốc đã làm hết sức để giúp Sri Lanka không vỡ nợ, nhưng đáng buồn là họ đã tìm tới IMF và tuyên bố vỡ nợ”, Đại sứ Trung Quốc tại Sri Lanka Qi Zhenhong nói trong tháng 4.
Đối với nhiều người Sri Lanka, những dự án gần như bị bỏ hoang đã trở thành biểu tượng cho cách quản lý sai lầm của gia đình Rajapaksa.
“Chúng tôi đang ngập cổ trong nợ”, bà Krishantha Kulatunga, chủ một tiệm tạp hóa nhỏ ở Colombo, nói. Cửa hàng của bà nằm gần lối vào Tháp Sen, tòa tháp chọc trời được xây nhờ tiền Trung Quốc.
Mặt tiền kính màu rực rỡ của Tháp Sen chiếm trọn nền trời của Colombo nhưng nơi đây chưa bao giờ mở cửa đón người dân vào.
“Tự hào vào tòa tháp này để làm gì khi chúng tôi phải đi xin ăn”, bà Kulatunga nói.