Các quan chức cho biết ít nhất 20 người đã bị thương trong vụ bạo lực ở trung tâm Colombo, AFP đưa tin.
Những người trung thành với ông Rajapaksa được trang bị gậy gộc đã tấn công người biểu tình không vũ trang cắm trại bên ngoài văn phòng tổng thống kể từ ngày 9/4.
Cảnh sát đã bắn đạn hơi cay và phun vòi rồng để giải tán những người ủng hộ chính phủ khi những người này cố gắng vượt qua hàng rào của cảnh sát để đập phá lều trại và các vật dụng khác do những người biểu tình chống chính phủ dựng lên.
Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, anh trai của tổng thống, kêu gọi "công chúng hãy kiềm chế và nhớ rằng bạo lực chỉ tạo ra bạo lực”.
Sri Lanka áp đặt lệnh giới nghiêm sau cuộc đụng độ khiến ít nhất 20 người bị thương. Ảnh: AFP. |
Sự phẫn nộ của công chúng đang dâng cao khi Sri Lanka trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập.
Người dân đã phải sống trong tình trạng mất điện và thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men suốt nhiều tháng, dẫn đến các cuộc biểu tình ôn hòa chống chính phủ trong thời gian gần đây.
Hôm 6/5, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai chỉ trong vòng 5 tuần, nhằm trao cho lực lượng an ninh nhiều quyền lực hơn để xử lý làn sóng biểu tình trên cả nước.
Động thái trên diễn ra sau khi các công đoàn lao động tổ chức đình công trên phạm vi cả nước hôm 6/5 để đòi vị tổng thống phải từ chức giữa khủng hoảng kinh tế sâu rộng.
Bộ Quốc phòng Sri Lanka hôm 8/5 cho biết những người biểu tình chống chính phủ đã hành xử theo một "cách thức khiêu khích và đe dọa", làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu.
Các nghiệp đoàn cho biết họ sẽ tổ chức các cuộc biểu tình hàng ngày từ ngày 9/5 để gây áp lực buộc chính phủ thu hồi việc áp đặt tình trạng khẩn cấp.
Lãnh đạo công đoàn Ravi Kumudesh cho biết họ sẽ huy động cả người lao động nhà nước và tư nhân, xông vào quốc hội trong buổi khai mạc kỳ họp tiếp theo vào ngày 17/5.