Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số ca sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh từ đầu năm, nhất là từ đầu mùa mưa đến nay đã tăng nhanh, trong đó đã có 2 ca tử vong tại thành phố Vũng Tàu.
Từ đầu năm đến nay, 4.032 ca sốt xuất huyết mắc mới được ghi nhận trên địa bàn tỉnh, tăng 7,7 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó có 36 ca nặng. Thành phố Vũng Tàu vẫn là địa phương ghi nhận số ca sốt xuất huyết nhiều nhất toàn tỉnh với trên 2.600 ca, có 2 trường hợp tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu (thành phố Vũng Tàu), cho biết sốt xuất huyết bùng phát từ tháng 4, cao điểm nhất là vào tháng 6. Hầu hết khoa của Bệnh viện đều tiếp nhận cấp cứu và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, tỷ lệ người lớn và trẻ em mắc bệnh như nhau. Đặc biệt, các khoa Truyền nhiễm, Nhi, Nội tổng hợp có số bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nhiều nhất.
Tình trạng bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang ở mức đáng lo ngại. Mức độ bệnh trở nặng đều xảy ra ở người lớn lẫn trẻ em. Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Vũng Tàu mỗi ngày có khoảng 10% ca nặng, những ngày cao điểm lên tới hơn 15%.
Bác sĩ Lê Quốc Bàn, Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Vũng Tàu, cho biết gần đây, Khoa Nội tiếp nhận hai bệnh nhân là thanh niên bị sốt xuất huyết nặng, gây tổn thương và suy đa cơ quan. Khi mới bị sốt xuất huyết, hai trường hợp này đã tự mua thuốc về nhà uống. Đến khi bị nặng, không tự đi lại được, choáng váng, huyết áp không đo được thì mới vào bệnh viện. Chỉ chưa đến một ngày điều trị, hai bệnh nhân diễn biến bệnh không thuận lợi, Khoa Nội đã hội chẩn với các bệnh viện tuyến trên và cho chuyển tuyến điều trị.
Để kịp thời ngăn chặn sốt xuất huyết bùng phát và lan rộng, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành văn bản số 6580/UBND-VP chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương chủ động, tích cực, tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết với phương châm “Không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết”, diệt lăng quăng (bọ gậy) là biện pháp ưu tiên hàng đầu, ít tốn kém và hiệu quả nhất để chủ động ngăn chặn, phòng, chống sốt xuất huyết bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, quyết tâm không để dịch chồng dịch trong giai đoạn hiện nay.
Tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, theo dõi tình hình dịch, hướng dẫn, giám sát các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đảm bảo công tác phòng, chống sốt xuất huyết; tăng cường kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch của các đơn vị, thường xuyên tổng hợp tình hình dịch bệnh và báo cáo kịp thời; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp chỉ đạo phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Ngành Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ bệnh sốt xuất huyết tại địa phương; tổ chức phun hóa chất ở 100% hộ gia đình thuộc khu vực ổ bệnh, đánh giá chỉ số véc tơ; xác định các khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống sốt xuất huyết.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, nguy cơ và tác hại của bệnh sốt xuất huyết nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình; tổ chức các chiến dịch tuyên truyền diệt lăng quăng (bọ gậy), dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước để phòng, chống sốt xuất huyết; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình…