Những ngày gần đây, các bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM đang quá tải vì bệnh nhân mắc sốt xuất huyết dồn dập nhập viện, gây khó khăn cho công tác điều trị.
Thông tin với báo chí chiều 30/6, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Lê Thiện Quỳnh Như cho biết đơn vị đang tìm cách gỡ khó cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - đơn vị tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết tại TP.HCM.
Sở đã tập huấn cho 3.600 bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện tuyến quận, huyện trên địa bàn về công tác điều trị sốt xuất huyết. Những nơi này khi tiếp nhận thêm bệnh nhân sẽ tránh tình trạng người bệnh đổ dồn về các bệnh viện tuyến cuối.
Các phòng điều trị nội trú tại khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, luôn trong tình trạng đông đúc bệnh nhân. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), nhìn nhận chống sốt xuất huyết phức tạp hơn chống dịch Covid-19. Nơi nào có nước đều là môi trường thuận lợi để muỗi đẻ trứng, nở loăng quăng và phát sinh ổ dịch.
"Đọng nước chút thôi là muỗi đã đẻ và truyền bệnh. Ngành y tế không thể sau mỗi trận mưa là đi phát hiện, đổ nước ở toàn bộ các vật chứa trong thành phố", ông Tâm nói.
Vị đại diện HCDC cho rằng một bộ phận người dân còn chủ quan với sốt xuấ huyết. Ông Tâm đặt giả thiết khi gặp vấn đề về sức khoẻ, người dân chỉ chủ yếu test nhanh Covid-19 mà không nghĩ đây có thể là triệu chứng gây bệnh sốt xuất huyết.
Theo số liệu báo cáo của HCDC, trong tuần vừa qua TP.HCM ghi nhận có 2.181 ca bệnh sốt xuất huyết (gồm 1.182 ca nội trú và 999 ca ngoại trú), tăng 38,5% so với trung bình 4 tuần trước (1.575 ca).
Đáng chú ý, số ca sốt xuất huyết ở người lớn hiện chiếm hơn 50%. Trong khi đó, những năm trước đó số trẻ em mắc sốt xuất huyết luôn nhiều hơn so với người lớn.