Đừng ép buộc bản thân và những người trong gia đình phải bỏ đi càng nhiều đồ đạc càng tốt, hãy sống tối giản với tâm trạng thoải mái. Ảnh: Pexels. |
Lúc sắp xếp lại đồ đạc để bỏ đi những thứ không cần thiết, tôi muốn đổ lỗi cho lũ trẻ vì sự thừa thãi này. Có quá nhiều đồ chơi, gấu bông và núi quần áo trẻ con. Chưa kể đến nào yếm, nào khăn cuốn, nào chăn, nào búp bê. Tập trung vào những thứ không phải của mình và không thể thừa nhận đó là lỗi của mình đồng nghĩa với việc tôi tự đặt mình ở vị trí đạo đức cao hơn, cho dù chưa xứng đáng.
Khi nhìn rộng ra toàn cảnh, phần lớn đồ đạc chèn cứng trong gara, trong phòng ngủ, trong lán trại và trong “phòng làm việc” (kiêm phòng chứa đồ linh tinh) không phải là đồ của bọn trẻ mà là của tôi. Và tôi không thích thừa nhận điều này cho lắm.
Người ta thường xuyên hỏi tôi làm gì khi chồng con, bạn bè hoặc gia đình không chung lưng đấu cật với mình trong hành trình lọc bỏ đồ. Lỡ họ thích bừa bộn thì sao? Lỡ họ không muốn bỏ đi đồ dư thừa của mình thì sao? Đó là một mối lo ngại siêu hợp lý và có thể là một chướng ngại rất lớn, nhưng cũng có thể là một lời ngụy biện lỳ lợm cho việc chúng ta không chịu động tay làm gì.
Chúng ta cũng có xu hướng trì hoãn, cố vạch ra một lý do nào đó để không phải làm việc ta biết là cần làm, mà khi đối mặt với thử thách lọc bỏ đồ, ta rất dễ để suy nghĩ “đó là đồ đạc của người khác” trở thành lý do đó. Tôi khuyến khích bạn nhìn nhận lại bản thân, đối diện với đồ đạc và sự bừa bộn của mình trước. Bạn có thể ngạc nhiên khi thấy mình có thẩm quyền trong việc ra quyết định và cảm giác nắm quyền kiểm soát trong tay khi đồ đạc bay biến ra sao.
Nhờ chọn sống một cuộc sống đơn giản hơn, thậm chí là một phiên bản thỏa hiệp hơn nếu phải thế, bạn sẽ làm gương được cho người khác. Thay vì ra rả với vợ hay chồng hoặc con cái về việc lọc bỏ đồ và lợi ích của nó, hãy tự mình làm gương.
Hãy lọc bỏ đồ trong nhà, từng chỗ, từng phòng, loại bỏ tất cả những đồ thừa thãi. Nếu có những khu vực chung hoặc đồ đạc chung của cả gia đình, hãy để lại xử lý sau. Hãy tập trung vào đồ của bạn. Quần áo, giày dép, sách vở, đĩa CD, DVD, đồ trang điểm hoặc đồ vệ sinh, đồ thủ công, đồ sưu tập, tranh ảnh và đồ lưu niệm, đây là những thứ bạn có thể loại bỏ mà không ảnh hưởng đến ai. Hãy bắt đầu từ đây.
Khi lợi ích của việc giản tiện những khu vực này hiển thị rõ ràng, có thêm nhiều không gian và bớt phải dọn dẹp là hai lợi ích hấp dẫn đối với rất nhiều người, gia đình bạn có thể sẽ bắt đầu chú ý đến điều đó. Khi bạn tiếp tục lọc bỏ đồ của mình, hãy kiềm chế đừng lên mặt giảng giải cho ai, chỉ cần tận hưởng lợi ích của nó.
Tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện từ những người bắt đầu lọc đồ nhưng bị bạn đời quyết liệt phản đối, rồi kiểu khai tâm mở trí cho người khác này sẽ có tác động lớn hơn nhiều so với bất cứ lần kỳ kèo năn nỉ nào trước đó. Thêm nữa, không ai thích bị lên lớp, bởi thế hãy khiêm tốn và chăm lo cho những việc bạn có thể kiểm soát, những việc của chính bạn.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, bạn nên kỳ vọng vào người bạn đời của mình ở một mức độ nào đó hợp lý. Mỗi người lại có quan điểm riêng về việc tổ chức cuộc sống và đồ đạc, cái gì có ý nghĩa cái gì không. Việc chia sẻ mái ấm với một người cũng bao hàm cả thái độ cởi mở với một mức độ thỏa hiệp nhất định nào đó.
Hãy nhớ, lý do bạn sống chậm và đơn giản hóa cuộc sống của mình là để làm cho nó tốt đẹp hơn, bởi thế đừng đèo bòng thêm căng thẳng không cần thiết.