Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dọn dẹp cũng cần dũng khí

Nhiều người luôn cảm thấy mệt mỏi khi bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa. Lau sạch những chỗ bám bụi, cân nhắc về những món đồ cũ cần bỏ đi, họ thấy có quá nhiều việc phải làm.

Song cham ma chat anh 1

Đừng tham lam dọn sạch mọi thứ trong thời gian ngắn, điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Ảnh: Pexels.

Lọc bỏ những món đồ không dùng nữa sẽ đem đến nhiều khoảnh khắc thức tỉnh mạnh mẽ, sự tự do, giải phóng và với tôi, trở ngại bên trong mới chính là trở ngại nặng nề nhất trước những nỗ lực hướng tới lối sống này.

Nếu thấy mình hoàn toàn bế tắc, không thể loại bỏ được bất cứ thứ gì mà chẳng biết vì sao, có thể bạn sắp tạo ra một cú đột phá lớn. Nhưng cũng có thể bạn đang cảm thấy hoàn toàn choáng ngợp. Khi thấy bế tắc, hãy dừng lại và hỏi tại sao, bạn đang e ngại những chuyện sắp xảy ra ư? Hay bạn tê liệt bởi khối lượng công việc đã làm?

Nếu là nguyên nhân thứ nhất, hãy tâm sự với ai đó lý do của mình. Xem xét những lý do ban đầu khiến bạn làm việc này và mục đích cố gắng đạt được. Việc tâm sự này rất có ích và thường đem lại đủ động lực để bạn lại tiến lên phía trước, cho dù nó chỉ là một bước tiến rất nhỏ.

Trong trường hợp bạn thấy hoang mang, có thể chỉ là bạn đã trải qua quá nhiều thay đổi. Có thể bạn đã bỏ qua những bước tiến nhỏ trong nay mai, thay vào đó lại tập trung vào luôn năm tới. Thật hào hứng và phấn khích khi nghĩ đến cái đích dài hạn, nhưng nó cũng có thể khiến chúng ta bại hoại bởi khối lượng công việc trước mắt.

Chúng ta không thể nhìn thấy tất cả các bước đi từ đây đến đó, nhưng nếu tập trung vào từng bước phía trước, mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều bởi chúng ta chỉ cần cất bước. Một khi đã cất bước, bước tiếp theo sẽ tự hiện ra và ta lại tiến thêm bước nữa. Hãy tin tưởng một chút vào tiến trình này, hãy tiến từng bước nhỏ mỗi ngày và tin rằng đột phá, tự do và sự rõ ràng sẽ đến.

Khả năng thứ ba là bạn chỉ mệt mỏi mà thôi. Vậy thì hãy cho phép mình nghỉ ngơi. Tạo ra những thay đổi này là việc vất vả, và cảm thấy mệt mỏi cũng là chuyện rất bình thường. Trong trường hợp đó, hãy xem có việc vặt vãnh nhất nào bạn có thể làm không, nhặt một thứ đồ đang không ở đúng vị trí của nó, lau mặt bàn bếp, xếp lại một tờ giấy, rồi đi làm thứ gì đó hoàn toàn không liên quan đến việc tối giản đồ.

Hãy đi dạo, uống trà trong nắng ấm, đọc một cuốn sách, nghe nhạc, chơi với con, làm gì đó sáng tạo. Đây là những điều quý giá của cuộc sống. Đôi khi bạn cần nạp năng lượng trước khi quay lại với công việc.

Đa cảm là một ý niệm quan trọng và đầy ý nghĩa, nhưng nó cũng dễ là lời biện minh cho việc không phải bắt tay vào hành động ngay từ đầu; trong khi có nhiều lý do khiến người ta gắn giá trị cảm xúc cho đồ đạc, nhưng không phải tất cả những lý do đó đều hợp lý hay hữu dụng. Khi thấy một món đồ có giá trị cảm xúc, cách tốt nhất là hãy tự hỏi bản thân liệu điều đó có thật sự đúng không.

Liệu món đồ đó thật sự có giá trị cảm xúc hay chỉ là bạn đang tự huyễn hoặc để không phải bỏ nó đi? Liệu bản thân món đồ có thật sự quan trọng hay không? Hay chính ký ức gắn liền với nó mới quan trọng? Tôi thừa nhận mình không quá ủy mị, điều đó có nghĩa rằng đây là vấn đề khá nhẹ nhàng với tôi và tôi không có những bi kịch như mất cha mẹ, mất con, mất chồng, bởi thế mối ràng buộc giữa tôi với đồ đạc không phức tạp theo cách đó.

Tuy nhiên, tôi từng nói chuyện với rất nhiều người, nếu không quá đa cảm thì cũng từng mất mát, hoặc cả hai, và dù thế nào thì việc học cách buông bỏ cũng chính là hành trình chữa lành cho họ. Gần như chắc chắn là việc này sẽ tốn nhiều thời gian hơn, nhưng kết quả cũng tuyệt vời tương tự.

Với tôi, việc quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng nơi chốn, thời gian, ký ức, con người hoặc mối quan hệ không tồn tại trong đồ vật. Đồ vật chỉ đơn giản là một mảnh thủy tinh hoặc một sự kết hợp các chất liệu. Nó là một chiếc cốc hoặc một chiếc bát hay một món đồ nội thất nhắc ta nhớ tới khoảng thời gian đã qua và chúng ta có thể bắt đầu xóa bỏ cảm xúc đó khỏi đồ vật bằng cách nhìn nó với con mắt thản nhiên hơn một chút.

Như mọi khi, chẳng có gì đúng sai ở đây. Quan trọng là mục đích. Nếu bạn dành thời gian thực lòng truy vấn lý do mình giữ lại những món đồ đó và cảm thấy vui khi làm thế, bạn đã đạt được ý định buông bỏ rồi.

Brooke McAlary/ BestBooks và NXB Công thương

SÁCH HAY