Thông tin trên được đưa ra bởi văn phòng của Thủ tướng Tonga Siaosi Sovaleni. Đây là tuyên bố chính thức đầu tiên của giới chức Tonga về quy mô của thảm họa gây ra bởi vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai hôm 15/1.
Cơ quan này cũng cho biết đảo Fonoifua chỉ còn hai ngôi nhà còn đứng vững. Đảo Namuka cũng gánh chịu thiệt hại nặng nề. Ba trường hợp tử vong gồm công dân Anh Angela Glover, một người phụ nữ 65 tuổi tại đảo Mango và một người đàn ông 49 tuổi tại đảo Nomuka.
Nhiều địa điểm tại Tonga bị tro bụi bao phủ. Ảnh: Maxar Technologies. |
Với việc đường cáp ngầm nối Tonga với thế giới gặp sự cố, các thông tin về thiệt hại tại quốc đảo này chủ yếu được đánh giá bởi các chuyến bay trinh sát.
Ông Curtis Tu’ihalangingie, Phó trưởng phái đoàn ngoại giao Tonga tại Australia, cho biết các hình ảnh được Không quân New Zealand cho thấy tình hình tại các đảo Mango và Atata là “đáng báo động”.
“Mọi người hoảng sợ, bỏ chạy và bị thương. Số người thiệt mạng có thể còn nhiều hơn. Chúng tôi cầu mong đây không phải sự thật”, ông Tu’ihalangingie nói với Reuters.
Theo văn phòng của Thủ tướng Sovaleni, sóng thần cao đến 15 m tại nhóm đảo Ha’apia - bao gồm đảo Mango - và một phần đảo Tongatapu, đảo chính của Tonga. Người dân ven biển được chuyển đến các trung tâm sơ tán, trong khi 56 ngôi nhà bị phá hủy.
Hoạt động tìm kiếm cứu nạn đã được khởi động tại đảo Atata - nơi có khoảng 100 người sinh sống - từ hôm 16/1. Hải quân Tonga và các nhân viên y tế đã được điều đến quần đảo Ha’apia với nước sạch, thực phẩm và lều bạt.
“Các thách thức với vận tải đường biển và đường hàng không vẫn còn đó. Các bến tàu bị phá hủy, trong khi đường băng bị tro bụi bao phủ”, văn phòng thủ tướng Tonga thông báo.