Theo NBC, hầu hết sóng thần diễn ra khi có dấu hiệu địa chấn trước đó, giúp các nhà khoa học có thể đưa ra cảnh báo. Nhưng cơn sóng thần ngày 22/12 được tạo ra bởi hoạt động của Anak Krakatau, ngọn núi lửa đã phun trào trở lại vào hồi tháng 6, thay vì một trận động đất như thường thấy.
Hai giả thuyết được đưa ra để giải thích cho cơn sóng thần: hoặc là đã diễn ra một trận lở đất dưới đáy biển, hoặc là một lượng lớn nham thạch phun trào đã tạo ra hiện tượng này. Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng cơn sóng được hình thành từ một trận lở đất.
Giám đốc Viện nghiên cứu sóng thần của Đại học Nam California (USC), ông Costas Synolakis nhận định: "Đây không phải là một cơn sóng bình thường". Chuyên gia này cho biết đây là một cơn sóng thần núi lửa, nó không dâng cao đến mức tạo ra cảnh báo, vì vậy các trung tâm cảnh báo sóng thần sẽ không nhận được tín hiệu nào.
Giả thuyết về nguyên nhân cơn sóng thần ngày 22/12 ở Indonesia. Đồ họa: BBC. |
Vì núi lửa Anak Krakatau nằm ở gần bờ, cơn sóng thần ngày 22/12 nhiều khả năng được hình thành từ 20-30 phút sau khi núi lửa hoạt động, theo ông Synolakis.
Ông Emile Okal, giáo sư ngành khoa học trái đất tại Đại học Northwestern (NWU), người đã nghiên cứu sóng thần trong suốt 35 năm, cho biết: "Núi lửa là thứ đang hoạt động. Đây là thứ không có tình trạng địa chất ổn định ở bất cứ thời gian nào, vào lúc nào đó sẽ có một trận lở đất diễn ra, và nếu diễn ra dưới mặt nước, điều này sẽ tạo lên một cơn sóng thần".
Ông Okal cho rằng để phục vụ công tác dự báo cho những cơn sóng thần kiểu này, chính phủ Indonesia sẽ phải đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ và nhân lực khắp bờ biển nước này, và thậm chí điều đó cũng không đảm bảo việc dự báo có thể diễn ra kịp thời.
Thiên tai xảy ra tối 22/12 là trận sóng thần thứ ba ở Indonesia trong 6 tháng, khiến ít nhất 281 người thiệt mạng tính đến sáng 24/12.
Bên cạnh việc hình thành bởi hoạt động núi lửa chứ không phải động đất, có một lý do khác khiến cho trận sóng thần ngày 22/12 gây thiệt hại lớn về người và của.
"Thật tệ là nó lại xảy ra vào ban đêm, giữa lúc thủy triều cao nhất trong ngày", ông Okal nhận định. Chuyên gia này cho rằng nếu tất cả các yếu tố khác không thay đổi, thiệt hại sẽ luôn lớn hơn vào ban đêm.
Đây không phải là lần đầu tiên Anak Kraratoa gây thiệt hại cho Indonesia. Theo ông Synolakis, vào năm 1883, ngọn núi đã gây thiệt hại đáng kể cho khu vực trong thời gian hoạt động của nó.
Nhà đồng sáng lập Trung tâm cảnh báo sóng thần Indonesia, ông Gegar Prasetya cho biết mặc dù gây thiệt hại đáng kể nhưng đây không phải là cơn sóng thần thuộc loại lớn trong lịch sử quốc gia.
"Thật sự thì cơn sóng không lớn lắm, chỉ cao khoảng 1 m. Vấn đề là người dân có xu hướng xây dựng mọi thứ ra gần sát bờ biển", ông Prasetya nhận xét.