Duyên hải Indonesia tan hoang sau sóng thần do núi lửa
Chủ nhật, 23/12/2018 11:46 (GMT+7)
11:46 23/12/2018
Đợt sóng thần quét qua eo biển Sunda, Indonesia, rạng sáng 23/12 khiến 168 người thiệt mạng, 745 người bị thương, phá hủy hàng trăm nhà ven biển các đảo Java và Sumatra.
Đại diện Ủy ban Phòng chống Thiên tai Quốc gia (BNPB) của Indonesia, Sutopo Purwo Nugroho, ngày 23/12 xác nhận có ít nhất 168 người thiệt mạng, 745 người bị thương và hai trường hợp mất tích sau khi sóng thần ập vào bờ biển các vùng Baten và Lampung lúc 4h30 cùng ngày, theo Jakartar Post. Ảnh: AP.
Vùng Pandeglang thuộc tỉnh Banten là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo thông tin ban đầu, ít nhất 33 trường hợp tử vong và 491 người bị thương được ghi nhận. Gần 400 ngôi nhà, chín khách sạn và 10 tàu bè trong khu vực chịu thiệt hại nặng nề. Ảnh: AP.
"Khi thiên tai xảy đến, khu vực bờ biển Pandegland còn rất nhiều du khách đang lưu trú và tham quan", ông Sutopo thông báo. Nhiều khách du lịch cuối tuần này đến vùng duyên hải eo biển Sunda để quan sát hiện tượng núi lửa Anak Krakatoa phun trào từ ngày 21/12. Ảnh: AP.
Nhiều đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy mực nước dâng cao tại các vùng duyên hải từ tờ mờ sáng. Xe ôtô bị cuối trôi, lật úp trên các tuyến đường thị trấn. "Tôi phải chạy khi nước biển tràn vào bờ, tiến sâu gần 15-20m", Øystein Lund Andersen, nhiếp ảnh gia chuyên về núi lửa, chia sẻ trên Facebook. Ảnh: AFP.
Ông Sutopo cho biết máy móc cứu hộ hạng nặng đang được điều động đến các vùng gặp nạn để hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, di tản người dân và khắc phục sơ bộ những cơ sở hạ tầng thiết yếu. Ảnh: AFP.
Đường phố nhiều thị trấn ven biển Sumatra và Java ngập trong bùn sáng 23/12, sau khi đợt sóng thần đi qua. Các phân tích ban đầu cho rằng núi lửa Anak Krakatoa phun trào đã gây ra lở đất dưới đáy eo biển Sunda, kết hợp với thủy triều dâng đêm trăng tròn vừa qua, đã tạo nên sóng thần bất ngờ. Ảnh: AFP
Theo Reuters, các đơn vị phản ứng khẩn cấp Indonesia đã được điều động tới những vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Trong ảnh, quân nhân Indonesia chăm sóc cho người dân gặp nạn tại quận Tnajung Lesung, vùng Pandeglang, tỉnh Banten. Ảnh: Reuters.
AP dẫn thông tin từ chính quyền địa phương và các nhân chứng cho biết sóng thần sáng 23/12 có thời điểm cao gần 20m khi tiến vào đất liền. Hàng trăm ngôi nhà ven biển đã bị phá hủy. Khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, vùng Pandeglang thuộc tỉnh Banten, còn có Vườn Quốc gia Ujung Kulon của đảo Java với nhiều bãi biển nổi tiếng. Ảnh: BPBD Serang.
Các nhà địa chất học Indonesia cho biết núi lửa Anak Krakatoa phun trào gần 24 phút trước khi xảy ra sóng thần trên eo biển Sunda. Ngọn núi lửa cao 305, hình thành gần nửa thế kỷ trước sau thảm họa núi lửa Krakatoa năm 1886, đã hoạt động trở lại từ tháng 6. Giới chức Indonesia đã khuyến cáo mọi người không vào khu vực 2 km quanh miệng núi lửa. Ảnh: AFP.
Ở thành phố Bandar Lampung phía nam đảo Sumatra, hàng trăm người dân đã được di tản đế văn phòng thống đốc lánh nạn. Nhiều người mất trắng tài sản và nhà cửa, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Ảnh: AFP.
"Chúng tôi khuyến cáo người dân không tham gia bất kỳ hoạt động nào ở khu vực ven biển vào thời điểm này. BMKG (Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Vật lý địa chất Indonesia) và Cơ quan Địa chất vẫn đang tiến hành nghiên cứu về nguyên nhân đợt sóng thần. Không loại trừ khả năng sẽ còn các đợt khác trong thời gian tới", ông Sutopo cảnh báo. Ảnh: AFP.
Theo Trung tâm Thông tin Sóng thần Quốc tế (ITIC), hiện tượng núi lửa ngầm bùng phát gây ra sóng thần là rất hiếm. Với vị trí địa lý đặc biệt, nằm trên "vành đai lửa" của Thái Bình Dương, Indonesia đã phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai như động đất, núi lửa và sóng thần trong lịch sử. Ảnh: AFP.
Trong một tuyên bố gần đây, chính quyền Indonesia yêu cầu nhân viên các tổ chức viện trợ nước ngoài, vốn đến đảo Sulawesi để giúp đỡ nạn nhân vụ thảm họa kép, rời khỏi nước này.
Nhóm 10 sinh viên Việt Nam ở thành phố Palu đã vượt qua những đống đổ nát, những cây cầu chờ gãy và xác người để thoát khỏi nơi vừa hứng chịu trận động đất, sóng thần ở Indonesia.