Theo thông báo chính thức, số người chết do thảm họa kép động đất, sóng thần hôm 28/9 là 1.944 và khoảng 5.000 người mất tích được cho là đã chết. Nhiều tổ chức nước ngoài đã tìm cách tiếp cận đảo Sulawesi để tham gia công tác cứu hộ.
Tuy nhiên mới đây, Cơ quan Ứng phó Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNBP) đã thông báo đến các tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế: “Các NGO nước ngoài đã triển khai nhân sự tại Indonesia được khuyến cáo nên thu hồi (người) ngay lập tức”.
Thông báo do chính phủ Indonesia đưa ra hướng tới các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Những tổ chức lớn như World Vision vẫn được phép triển khai nhân sự vì đã đăng ký là tổ chức phi chính phủ địa phương.
Tuy nhiên, thông báo vẫn gây lo ngại vì có thể sẽ cản trở khả năng cung cấp viện trợ của các NGO.
Ông Tim Costello, giám đốc tổ chức hoạt động World Vision, cho rằng thông báo của chính phủ Indonesia “rất kỳ quặc” và điều đó có nghĩa là nhân viên nước ngoài sẽ không thể hỗ trợ đội ngũ nhân viên và tình nguyện nhân viên Indonesia đang quá tải và bị thương.
Việc chính phủ hạn chế sự tham gia của các NGO quốc tế gây lo ngại vì có thể sẽ cản trở khả năng viện trợ. Ảnh: Xinhua/PA |
"Các nhà báo quốc tế được tự do đi lại và đưa tin, nhưng nhân viên cứu trợ nước ngoài giàu kinh nghiệm và sẵn sàng giúp đỡ các nạn nhân sống sót sau thảm họa thì lại không”, ông nói với ABC. "Họ bị mất tinh thần và bị gạt khỏi khu vực thảm họa, đó là điều rất kỳ lạ."
Jen Clancy, thành viên của Hội đồng Phát triển Quốc tế Australia (Acfid), cơ quan cao nhất của nước này chuyên hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ, nói rằng rất ít nhân viên quốc tế được phép hỗ trợ.
Các thành viên của Acfid tại Indonesia cho biết việc hạn chế nhân viên nước ngoài tham gia viện trợ không làm ảnh hưởng tới việc tìm kiếm cứu nạn, nhưng có thể thấy rằng nhân viên địa phương bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi và kiệt sức.
Một cán bộ cấp cao của tổ chức phi chính phủ quốc tế, đang có mặt tại Indonesia để tư vấn về thảm họa, cho biết việc Indonesia ưu tiên các tổ chức địa phương hơn so với các tổ chức nước ngoài là điều “bình thường”.
Ông cho rằng một số nhiệm vụ yêu cầu chuyên gia phải có chuyên môn kỹ thuật cao chỉ đạo từ trụ sở, nhưng đa phần việc cộng tác với người dân bản địa sẽ hiệu quả hơn.
Các tổ chức viện trợ của Indonesia đang nỗ lực viện trợ cho người dân đảo Sulawesi. Ảnh: Antara Photo/Jojon |
Clancy cho biết các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã phải tiếp cận rất thận trọng. “Việc cộng đồng quốc tế đổ xô đến viện trợ và cứu nạn trong vài ngày hoặc vài tuần sau thảm họa đang bị hạn chế. Đây là động thái nhằm lấy lại quyền kiểm soát và thể hiện rằng các tổ chức địa phương có đủ năng lực để giải quyết vấn đề", ông nói.
Chính phủ Indonesia, Hội Chữ thập đỏ Indonesia và các tổ chức phi chính phủ khác của nước này đều có “năng lực đáng kể” để hỗ trợ nhân đạo, ông Clancy nói. "Thiên tai không còn xa lạ gì với người Indonesia, thật không may... Nhưng do vậy họ cũng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với thảm họa thiên nhiên".
Sau thảm họa, thành phố Palu đã nhiều ngày không có điện và nước sạch, dẫn đến tình trạng cướp bóc, người dân xếp hàng dài chờ đợi để được cấp nhiên liệu và tuyệt vọng chờ di tản tại sân bay thành phố. Một số quốc gia bao gồm Australia, New Zealand và Anh đã cam kết viện trợ cho Indonesia.