Trong khi mọi chú ý đang dồn vào thành phố Palu, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn sóng thần hôm 28/9 khiến ít nhất 1.400 người thiệt mạng, người dân tại các khu vực khác trên đảo Sulawesi đang chật vật tìm cách sinh tồn giữa cảnh thiếu thốn mọi loại nhu yếu phẩm cần thiết và trợ giúp của chính phủ hiện chưa đến được tay người bị nạn.
"Chỉ còn mỗi đôi chân này"
Tại những khu vực vùng sâu vùng xa trên đảo Sulawesi, lực lượng cứu hộ Indonesia hiện chưa thể hoàn toàn tiếp cận. Hệ thống thông tin liên lạc đình trệ hoàn toàn, các cây cầu và đường xá bị đánh sập hoặc bị chặn bởi lở đất, khiến công tác thống kê thiệt hại cũng như cứu trợ không thể được triển khai.
Sirenja là thị trấn nhỏ nằm ở phía bắc đảo Sulawesi. "Thị trấn giờ đã là thành phố ma. Mọi thứ đã bị phá hủy, ở đó không còn lại gì. Chúng tôi hết thức ăn và không có nước sạch, chỉ còn mỗi đôi chân này thôi", Johnny Lim, chủ một nhà hàng tại Sirenja, cho biết. Những ngày qua, Lim sống sót nhờ những quả dừa còn sót lại.
Tại khu vực khác trên đảo Sulawesi, người dân phải bới rác tại các nông trại hoặc trên các cánh đồng, hy vọng tìm thấy chút dinh dưỡng để cầm cự với cái đói.
"Chúng tôi hiện phải dựa vào bất cứ thứ gì tìm thấy ở các trang trại, chia sẻ với nhau mọi thứ như khoai lang hay chuối", Ahmad Dejarat, một người sống sót sau trận động đất, sóng thần hôm 28/9, cho biết. Nhà của người đàn ông đã bị cơn sóng thần đánh sập, tại hiện trường giờ chỉ còn vài đồ nội thất vỡ vụn và trần nhà nay đã sập xuống.
Một nhân viên cứu hộ tên Lian Gogali miêu tả quận ven biển Donggala trên đảo Sulawesi đang rơi vào thảm cảnh. Quận nay là khu vực nằm sát với tâm của trận động đất 28/9.
"Tất cả mọi người đều tuyệt vọng tìm kiếm thức ăn và nước sạch. Không có thức ăn, nước uống hay nhiên liệu. Lực lượng chính phủ cũng không thấy xuất hiện", Gogali nói, đồng thời cho biết nhóm cứu trợ của anh chỉ có thể gửi lượng hạn chế đồ cứu trợ tới các khu vực vùng sâu vùng xa bằng xe máy.
Đi bộ 10 tiếng tìm kiếm đồ cứu trợ
Sau nhiều ngày chờ đợi, Walisha quyết định đưa gia đình đi tìm sự trợ giúp. Từ ngôi làng Biromaru, gia đình của Wasliha phải đi bộ vượt núi hơn 10 giờ đồng hồ để đến thành phố cảnh Palu. "Chúng tôi không còn nước sạch và thức ăn, tất cả những gì còn lại là những bộ quần áo chúng tôi đang mặc trên người".
Phóng viên của BBC gặp gia đình nhỏ của Wasliha hôm 3/10 tại thành phố Palu. Ba đứa trẻ của cô "vồ" lấy những chai nước mà cánh phóng viên đưa cho chúng. Wasliha cho biết bọn trẻ đã không được uống nước suốt một ngày một đêm.
Vài ngày qua, những người còn khỏe mạnh lũ lượt rời bỏ nơi ở, tìm mọi cách di chuyển tới thành phố Palu, nơi tiếp nhận phần lớn hàng hóa cứu trợ, để giành giật sự sống. Nơi đầu tiên những con người khốn khổ tìm tới là sân bay quân sự, nơi hàng trăm người trông chờ những chuyến bay hạ cánh mang theo thức ăn, nước sạch và thuốc men.
Yahdi Basma, người lãnh đạo ngôi làng ở phía nam thành phố Palu, cho biết người dân không hài lòng khi chính phủ dường như không tính toán được hết mức độ thiệt hại mà người dân đang phải gánh chịu, đặc biệt tại các khu vực bên ngoài thành phố cảng Palu.
"Ông tổng thống không nghe thấy tiếng kêu cứu từ những vùng xa xôi, ông ấy chỉ biết tới cơn sóng thần và thành phố Palu. Người dân đang rời khỏi đây bởi chẳng hề có sự trợ giúp nào", Basma nói. Người đàn ông cho biết hàng trăm người bị chôn dưới lớp bùn đất tại ngôi làng của mình vẫn chưa được giải cứu, trong khi không hề có sự cứu trợ từ chính phủ.
Đẩy mạnh tìm kiếm
Hôm 2/10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo quyết định tăng cường lực lượng cho chiến dịch tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân vụ động đất, sóng thần trên đảo Sulawesi. Ông tuyên bố lực lượng cứu hộ phải tìm thấy "tất cả mọi người".
Ít nhất 7 máy bay vận tải chở hàng hóa cứu trợ đã hạ cánh xuống sân bay Palu chỉ tính riêng trong ngày 3/10, mang theo nhiều tấn thức ăn, nước sạch và thuốc men y tế.
Sutopo Nugroho, phát ngôn viên Cơ quan Ứng phó thảm họa quốc gia Indonesia, cho biết nước này hiện cần các phương tiện vận tải hàng không, lều bạt, hệ thống xử lý nước thải, bệnh viện dã chiến, thuốc men và vật dụng y tế. Indonesia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế gửi hàng cứu trợ nạn nhân vụ động đất, sóng thần.
"Các đội cứu hộ đang đẩy nhanh công việc, họ đang làm tất cả những gì có thể", Phát ngôn viên Văn phòng nhân đạo Liên Hợp Quốc Jen Laerke cho biết hôm 2/10.
Tới ngày 3/10, nhà chức trách Indonesia xác nhận 1.407 người đã thiệt mạng sau thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra tại đảo Sulewasi, phần lớn nạn nhân thiệt mạng được ghi nhận tại thành phố cảng Palu. Các chuyên gia tính toán con số này sẽ tiếp tục tăng lên khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được các khu vực nông thôn xa xôi.
Liên Hợp Quốc cảnh báo những khu vực nông thôn rộng lớn, nơi có thể đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất, hiện vẫn chưa nhận được cứu trợ. Thời gian càng kéo dài, hy vọng tìm kiếm thêm người sống sót tại các khu vực bị động đất tàn phá càng giảm dần.
Khu vực hứng chịu tác động nặng nề nhất của thảm họa kép động đất, sóng thần hôm 28/9 là nơi sinh sống của hơn 1,4 triệu người Indonesia. Nhà chức trách cho biết hiện ít nhất 70.000 người đang sống trong cảnh mất nhà cửa.
Khu mộ tập thể chôn hàng trăm nạn nhân vụ động đất Indonesia
Chiều 1/10, lực lượng cứu hộ và tình nguyện viên ở thành phố Palu đã bắt đầu chôn cất hàng trăm nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa kép động đất và sóng thần tuần qua.
Giây phút sóng thần tấn công thành phố 600.000 dân ở Indonesia
Trận động đất 7,7 độ hôm 28/9 tạo ra sóng thần cao 2 m tấn công thành phố Palu với 600.000 dân ở Indonesia. Thiệt hại từ động đất và sóng thần hiện chưa thể tính toán hết.
Đối thủ của chiếc mũ MAGA bất ngờ gây sốt
Chiếc mũ "Canada không phải để bán" của thủ hiến Ontario bất ngờ nổi lên như một biểu hiện đoàn kết giữa những lời đe dọa của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.