Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thảm họa kép tại Indonesia gây sốc với cả giới chuyên gia

Thiệt hại từ thảm họa kép động đất - sóng thần tại đảo Sulawesi hôm 28/9 đã khiến giới chuyên gia và các nhà chức trách bàng hoàng.

Mặt trời bắt đầu lặn, bầu trời chuyển dần sang màu cam nhạt. Rồi bất chợt, mặt đất rung lắc mạnh. 

Mức độ chấn động dữ dội hơn cả so với những lần gần đây nhất. 

Ở Palu, người dân tưởng chừng như đã biết hết mọi hiểm nguy khi mà Indonesia vốn nằm trên một trong những đứt gãy hoạt động thường xuyên nhất thế giới - đặc biệt là Palu, hòn đảo nằm trên một địa tầng đang trượt dần. 

Rồi cơn sóng thần ập vào vịnh hẹp và dòng bùn chôn lấp hoàn toàn những làng mạc và cư dân. Tới tận tuần trước, họ chưa bao giờ nghĩ tới cảnh tượng này.

nguyen do song than Indonesia anh 1
Trận động đất kèm theo sóng thần đổ bộ vào vịnh Palu hôm 28/9 đã khiến hàng nghìn người chết và san phẳng hàng trăm ngôi nhà. Ảnh: AP.

Bàng hoàng vì dự báo không chính xác

Indonesia đã chi hàng triệu USD để trang bị cho hệ thống cảnh báo thiên tai kể từ đợt động đất sóng thần lớn hồi tháng 12/2004. Nhưng lần này, mọi thứ đã không hoạt động. 

Hệ thống báo động dựa trên mô phỏng máy tính đã đo đạc không chính xác về khả năng của cơn sóng thần khổng lồ, ước lượng con sóng nhỏ hơn nhiều so với thực tế. Các phao cảm biến sóng thần không hoạt động hoặc ở sai vị trí.

Một số cảm biến còn hoạt động khiến các nhà khoa học lầm tưởng rằng điều tồi tệ nhất đã qua, trong khi ngay lúc đó đợt sóng thần thứ 3 đang ập vào Palu.

Giờ đây, sự tàn phá ở khu vực trung tâm đảo Sulawasi khiến mọi người nhận thức rõ hơn về những chuyển động ở đáy dại dương có thể tạo ra những bức tường nước chết chóc và biến đất đá rắn chắc thành những con sông bùn chôn sống hàng ngàn người. 

Các nhà khoa học cho biết thảm họa liên tiếp này là một trong những thảm họa phức tạp nhất mà họ từng được chứng kiến. Bắt đầu lúc 6 giờ tối ngày 28/9 với trận động đất mạnh 7.5 độ do các mảng địa chất Trái Đất trượt qua nhau (động đất trượt), thảm họa đã giết chết gần 1.800 người và con số đang tiếp tục tăng lên. 

Thông thường, các trận động đất đẩy mạnh đáy biển sẽ tạo thành sóng thần - giống như mái vòm khổng lồ bằng nước biển đã ập vào khu vực  Ấn Độ Dương của châu Á năm 2004, cướp đi mạng sống của gần 230,000 người, trong đó có hàng chục nghìn người Indonesia. 

Vụ động đất trượt ngày 28/9, xảy ra cách Palu khoảng 48 dặm, không phải là yếu tố mà các chuyên gia dự đoán có thể gây nên một cơn sóng thần dữ dội. 

nguyen do song than Indonesia anh 2
Những người sống sót sau khi nhận được đồ cứu trợ ở Poroo, miền Trung Sulawesi. Ảnh: AP.

Dự báo 2 mét, sóng cao 6 mét

Adam Switzer, điều tra viên trưởng tại đài quan sát Trái Đất ở Singapore, cho biết: “Đây không phải là một sự kiện đơn giản. Trận động đất này nằm ngoài giới hạn của các hệ thống cảnh báo” hiện có.

Công tác phân tích tức thời cũng bị tổn hại do hỏng hóc của hệ thống phao phát hiện sóng thần của Indonesia. Các phao sẽ nhận biết thay đổi ngoài đại dương, ngay cả ở sâu dưới bề mặt. Hệ thống này hoạt động chính xác hơn các cảm biến thủy triều và xác nhận được chiều cao của con sóng trước khi nó hình thành. 

Hàng chục phao cảm biến trên biển Java đã hỏng, bị phá hủy hoặc bị lấy trộm. Các phao còn lại đều ở sai vị trí và ước lượng sai nguy cơ xảy ra sóng thần. Chúng dự báo sóng sẽ cao khoảng 0,5 mét, hoặc tệ nhất là 2 mét.

Nhưng trên thực tế sóng thần cao tới 6 mét tại một vài địa điểm.

Với các phao cảm biến, "một vệ tinh sẽ ngay lập tức nhận được thông tin về cơn sóng thần đã được phát hiện, và chúng tôi sẽ biết khu vực nào phải chịu ảnh hưởng cũng như chiều cao của sóng," Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của cơ quan quản lý thiên tai Indonesia, cho biết. "Tuy nhiên, các phao này chưa hoạt động" hoàn toàn kể từ năm 2012.  

nguyen do song than Indonesia anh 3
Tâm của vụ động đất ở phía bắc và hướng của sóng thần ập vào Palu ở khe vịnh hẹp. Đồ họa: Washington Post.

Ngay sau 18h tối, nước trong vịnh Palu bắt đầu rút, tạo nên những vòng tròn như chiếc nhẫn trên đại dương. Miranti Malewa, 35 tuổi, lúc đó đang lái xe trên bờ biển để đến nhà thờ cầu nguyện. Nhưng khi đạp chân ga, chiếc xe dường như không tiến về phía trước.

Cô nói cảm thấy mình như "viên đá trong chiếc bát” khổng lồ "di chuyển tiến lùi". Bên kia đường, cô thấy khách sạn Mercure đổ sập.

Malewa kể lại: "Có giọng nói trong đầu nói với tôi rằng 'có thể đây là trận sóng thần'". 

Mặc dù động đất ở Palu khá phổ biến, nhưng Malewa nhớ rằng chưa từng có trận động đất nào kéo theo sóng thần. Rồi cô nhìn thấy một con ngựa đã phá chuồng và “chạy như điên”. Cô liền nhấn ga và ra khỏi vịnh.

Lúc 6 giờ 10 phút, cơn sóng thần đầu tiên ập vào đất liền. 

Cơn sóng thứ hai đến chỉ sau đó 2 phút rưỡi, lần này thậm chí còn mạnh hơn. Cơn sóng thần cuối cùng dâng cao trên mặt biển, đổ ập xuống những ngôi nhà, cửa hiệu và cuốn theo hàng trăm sinh mạng. 

Tác động thứ cấp của trận sóng thần làm phá hủy các khu vực sâu hơn phía trong đất liền, biến đất rắn thành bùn lỏng. Một nhân chứng kể lại rằng nhà cửa và cột điện bị dòng đất bùn cuốn trôi dường như đang đuổi theo người dân. Toàn bộ khu vực lân cận bị xóa sổ. 

nguyen do song than Indonesia anh 4
Những người sống sót tiếp nhận đồ tiếp tế sáng 7/10 ở Poroo, miền Trung của Sulawesi. Ảnh: AP.

Hoang mang vì tình trạng hỗn loạn

Tuy cơn sóng thần đã đi qua nhưng với các nhà chức trách Indonesia, thảm họa mới chỉ bắt đầu.

Một loạt các sai lầm, bao gồm công tác hậu cần gặp nhiều khó khăn làm chậm trễ hoạt động phản ứng khẩn cấp ban đầu và sự vắng mặt của các quan chức chính quyền địa phương choáng ngợp trước thảm họa, đã làm dấy lên câu hỏi liệu Indonesia sẽ làm thế nào để chuẩn bị ứng phó với thảm họa động đất tiếp theo. 

Những năm gần đây mức đầu tư cho công tác giám sát thiên tai của Indonesia đã giảm từ 131 triệu USD xuống chỉ còn 46 triệu USD. Giám đốc thiên tai tại cơ quan địa vật lý của Indonesia, Rahmat Triyono, nói rằng việc cắt giảm chi tiêu này đã “hạn chế” khả năng phát hiện sóng thần vì phải trông cậy vào hệ thống mô phỏng máy tính thay vì các phao cảm biến có độ chính xác cao hơn. 

Retno Budiharto, một quan chức của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia, cảm thấy sốc khi đến được Palu. Nhà cửa và khách sạn đã bị san bằng “như bánh kẹp”, ông nói.

Không có nhiên liệu, điện hay nước máy. Đội cứu hộ đã nỗ lực giải thoát một phụ nữ bị kẹt chân dưới đống đổ nát. “Chúng tôi cố gắng mở lối thoát cho cô ấy, nhưng cả sàn nhà có nguy cơ sập xuống”, ông cho biết, “các thiết bị của chúng tôi không thể làm gì được.” Sau đó, đội cứu hộ đã buộc phải cắt cụt chân người phụ nữ để cứu mạng cô. 

Nhiều ngày đã qua. Các đoàn xe cứu hộ vẫn rất khó băng qua các con đường bị phá hủy nghiêm trọng. Sân bay Palu không thể hoạt động vì vết nứt trên đường băng. Lực lượng cứu nạn phải chật vật mới có thể đáp máy bay để sơ tán người dân và vận chuyển vật tư. 

nguyen do song than Indonesia anh 5
Các đội cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát ở Palu. Ảnh: Getty.

Trong khi đó, người dân Palu tuyệt vọng nhận ra rằng họ không thể trông cậy được gì vào lãnh đạo địa phương.

Thị trưởng và phó thị trưởng Palu, ông Hidayat và ông Sigit Purnomo Syamsuddin, đã sống sót sau thảm họa nhưng chưa thấy xuất hiện trước công chúng. Ông Sigit Purnomo Syamsuddin là ngôi sao nhạc rock trước khi trở thành chính trị gia và thường được biết đến nhiều hơn với nghệ danh Pasha. Ông vẫn duy trì hoạt động của nhóm nhạc nổi tiếng này dù đang đương nhiệm. 

Những bức vẽ graffiti nguệch ngoạc trên một bức tường ở Palu hỏi rằng làm thế nào ngài thị trưởng có thể ngủ được hàng đêm trong khi thành phố đang bị bỏ đói. Hiện vẫn chưa thể liên lạc được với 2 quan chức này, theo Washington Post.

Trong khi đó, tình trạng của chính phủ nước này được phản ánh rõ nét qua cảnh tượng hỗn loạn tại văn phòng thị trưởng. 

Ngày 6/10, một tuần sau thảm họa, một đống rác đang cháy bốc khói nghi ngút về phía hàng chục người dân cắm trại trên bãi cỏ. Quần áo quyên góp đổ tràn ra từ túi nhựa rách chất đống bên cạnh lối vào văn phòng, gần một chiếc xe cảnh sát hư hỏng. 

"Thị trưởng nên nỗ lực hơn", Indriani, 43 tuổi, một trong số hàng trăm người vô gia cư đang cắm trại ở đây, nói. "Ngay cả khi ông ấy không giúp được gì thì ít nhất cũng nên đến gặp chúng tôi." 

Các cơ quan viện trợ nước ngoài cũng đang nỗ lực đặt vé máy bay và tìm đường đến Palu. Tuy nhiên, họ nói rằng chỉ có đối tác địa phương hoặc những tổ chức viện trợ chính phủ mới được phép tiếp cận khu vực thiên tai. Quy định này cũng được áp dụng sau trận động đất hồi tháng 8 ở Lombok, gần hòn đảo du lịch Bali, đã giết chết hơn 460 người. 

"Rõ ràng là chính phủ nước này muốn người Indonesia dẫn đầu trong việc ứng phó, còn các nước khác chỉ được theo dõi và hỗ trợ," Winnie Byanyima, giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ quốc tế Oxfam, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Post

Byanyima đã kêu gọi Liên Hợp Quốc và các cơ quan quốc tế khác cấp quyền tiếp cận Palu và các khu vực xung quanh.

“Thảm họa này rất khủng khiếp,” cô nói, và vào ngày 5/10, Oxfam đã được chính phủ Indonesia cho phép gửi ba nhân viên quốc tế đến Palu thay vì chỉ một như lúc đầu.

Byanyima nói rằng nước này quy định lương thực cần phải được phân phối thông qua Hội chữ thập đỏ Indonesia. Đến ngày 6/10, vẫn không thể liên hệ với cơ quan này để xin bình luận. 

Nhiều tổ chức viện trợ cũng bắt đầu chuyển hướng một phần hoạt động cứu trợ sang Balikpapan, một thành phố cảng cách Palu hơn 200 dặm về phía tây. Hàng viện trợ sẽ mất khoảng 18 giờ vận chuyển để đến được khu vực này.

Các quan chức nói rằng sẽ mất nhiều tháng cho tới vài năm để xây dựng lại khu vực bị thiên tai phá hủy.

Trong khi đó, tất cả những gì có thể làm là chờ đợi. 

Merita Rore, 48 tuổi, đang phải cắm trại tại công viên với những người mất nhà cửa, cho biết: "Tôi sẽ ở đây thêm một thời gian nữa. Chúng tôi chỉ đang cố gắng để được an toàn thôi".

90S: Hy vọng tắt dần sau cơn đại hồng thủy ở Palu Một tuần sau thảm họa kép động đất - sóng thần cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 người tại Indonesia, hy vọng tìm thấy thêm người sống sót bên dưới đống đổ nát đang tắt dần.

1 tuần sau thảm họa kép, Indonesia chống chọi dịch bệnh vì các thi thể

Người dân được yêu cầu tránh xa khu vực có nhiều người chết để tránh lây lan dịch bệnh, trong khi nỗ lực giải cứu các nạn nhân gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn phương tiện.

Còn 5.000 người mất tích sau động đất, sóng thần Indonesia

Vẫn còn ít nhất 5.000 người mất tích tại hai khu vực ảnh hưởng nặng nhất ở thành phố Palu sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 28/9.



Hương Ly

Bạn có thể quan tâm