Theo chuyên gia David Rothery thuộc Đại học Mở ở Anh, cơn sóng thần "có vẻ là do sự sụp đổ của một phần núi lửa Anak Krakatoa dưới biển". Anak Krakatoa là hòn đảo mới xuất hiện vào khoảng năm 1928 sau đợt phun trào dữ dội của núi lửa Krakatoa vào năm 1883, khiến hơn 36.000 người thiệt mạng.
Chuyên gia Jacques-Marie Bardintzeff tại Đại học Paris-South ở Pháp lưu ý núi lửa Anak Krakatoa hoạt động đặc biệt tích cực kể từ tháng 6. Thiên tai xảy ra tối 22/12 là trận sóng thần thứ ba ở Indonesia trong 6 tháng, khiến ít nhất 281 người thiệt mạng tính đến sáng 24/12.
"Khả năng xảy ra sóng thần ở eo biển Sunda vẫn cao vì khi núi lửa Anak Krakatoa đang trong giai đoạn hoạt động, các vụ lở đất dưới biển tiếp theo có thể xảy ra", giáo sư Richard Teeuw thuộc Đại học Portsmouth, Anh, nói với AFP.
Quang cảnh nhìn từ trên không của núi lửa Anak Krakatoa trong vụ phun trào tại eo biển Sunda ở Nam Lampung, Indonesia, ngày 23/12. Ảnh: Reuters. |
Ông Teeuw cho rằng cần tiến hành các cuộc khảo sát sonar (sử dụng sóng âm dưới nước) để lập bản đồ đáy biển xung quanh ngọn núi lửa. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát bằng tàu ngầm thường mất nhiều tháng để tổ chức và thực hiện.
Ông Bardintzeff cũng cảnh báo cần tiếp tục cảnh giác vì núi lửa đã mất ổn định.
"Sóng thần tàn phá vì núi lửa phun trào là rất hiếm. Một trong những trận sóng thần nổi tiếng nhất (và gây chết người nhiều nhất) là do vụ phun trào Krakatoa vào năm 1883", ông nói.
Indonesia có 127 ngọn núi lửa đang hoạt động và nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương, nơi thường xuyên xảy ra động đất và phun trào núi lửa.
Núi lửa Anak Krakatoa, nằm ở eo biển Sunda giữa các đảo Java và Sumatra, có vị trí gần các khu vực đông dân cư. Ông Richard Teeuw cho biết mặc dù sóng thần tương đối nhỏ, các đợt sóng kèm theo mảnh vỡ có thể gây tử vong cho cộng đồng ven biển, đặc biệt nếu không có cảnh báo.
Chuyên gia Simon Boxall thuộc Đại học Southampton cho biết thêm rằng khu vực này cũng đang trong thời gian triều cường và "dường như sóng đánh vào một số khu vực ven biển tại điểm cao nhất lúc thủy triều lên cao, làm trầm trọng thêm thiệt hại".
Binh sĩ khiêng thi thể nạn nhân sóng thần tại Carita, Indonesia, hôm 23/12. Ảnh: AP. |
Ngoài ra, sóng thần tấn công vào ban đêm cũng khiến người dân không kịp trở tay.
"Chúng tôi đã bất lực khi biết sự kiện bất ngờ diễn ra như thế nào. Thời gian giữa nguyên nhân và kết quả là vài chục phút, quá ngắn để cảnh báo người dân", ông Bardintzeff nói.
Theo ông Rothery, phao có thể được sử dụng để cảnh báo sóng thần bắt nguồn từ động đất xảy ra ở ranh giới các mảng kiến tạo dưới biển.
"Kể cả khi có một chiếc phao như vậy ngay bên cạnh Anak Krakatoa thì nó cũng quá gần bờ biển bị ảnh hưởng. Với tốc độ sóng thần lan đi, thời gian cảnh báo sẽ rất ít", vị chuyên gia nhận xét.