Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sóng thần 1.000 năm trước suýt xóa sạch văn minh phía nam Trung Quốc

Các nhà khoa học Trung Quốc công bố nghiên cứu cho thấy trận sóng thần diễn ra cách đây 1.000 năm gần như xóa sổ nền văn minh ở khu vực phía nam nước này.

Trên bài viết được đăng trên tạp chí Bản tin Khoa học Trung Quốc, các nhà nghiên cứu của Đại học Khoa học & Công nghệ Trung Quốc (USTC) và Đại học Sư phạm Hoa Đông (ECNU) cho rằng các bằng chứng khảo cổ và địa chất, kết hợp với dẫn chứng lịch sử trong cùng giai đoạn, thể hiện một trận sóng thần khổng lồ đã ập tới vùng đất nay là tỉnh Quảng Đông trong quá khứ.

Sự kiện này diễn ra vào khoảng năm 1076 sau Công nguyên, thuộc triều đại nhà Tống. Sức ảnh hưởng của cơn sóng này dường như rất khủng khiếp, gây nên "sự sụt giảm mạnh về văn hóa" và khiến vùng đất này không thể hồi phục cho đến tận 500 năm sau.

Cơn sóng thần lịch sử

Đội nghiên cứu dẫn đầu bởi hai nhà khoa học Tôn Lập Quảng và Tạ Chu Thanh đến từ USTC vào năm 2013 khi đi thăm dò trên một hòn đảo ở Biển Đông đã phát hiện khu vực này từng bị ảnh hưởng bởi sóng thần.

Hai nhà nghiên cứu tìm được những dấu hiệu trầm tích và sinh học cho thấy cơn sóng thần ập đến khu vực này khoàng một nghìn năm trước.

Những dấu hiệu bao gồm các tảng đá lớn và san hô xuất hiện ở cách xa bờ biển, chỉ có thể giải thích bằng việc một cơn sóng lớn đã đưa chúng đến vị trí này.

Mô hình giả lập trên máy tính gợi ý cơn sóng với cường độ như vậy được gây ra bởi một trận động đất ở Rãnh nước sâu Manila.  Khu vực này trải dài 350 km từ miền Nam Đài Loan cho tới phía tây đảo Luzon của Philippines với độ sâu trung bình khoảng 5,4 km, gấp 3,5 lần so với độ sâu trung bình ở Biển Đông. Đây là nơi các mảng lục địa Á - Âu khổng lồ cổ đại va chạm với nhau.

Cơn sóng thần này được cho là đã tấn công tất cả các đảo ở Biển Đông và khu vực duyên hải phía nam Trung Quốc, nơi hiện nay là hai tỉnh Quảng Đông và Hải Nam.

Song than Trung Quoc anh 1
Cơ chế hình thành sóng thần do động đất dưới biển. Đồ họa: CNN.

Hai nhà khoa học tiếp tục đến đảo Nam Áo ở phía nam tỉnh Quảng Đông để xác định ảnh hưởng của cơn sóng thần. Họ lại tìm thấy vỏ sò, san hô và các loại đá đặc biệt trên hòn đảo này ở cách xa bờ biển. Đó là bằng chứng cho thấy đã có sóng thần ập đến.

Về mặt lịch sử, mặc dù các đồng xu cổ và đồ gốm cùng thời được phát hiện tại khu vực nghiên cứu, nhưng có một khoảng trống về mặt văn hóa không được ghi chép lại sau khi cơn sóng thần xảy ra. Các thông tin bị gián đoạn trong vài thế kỷ.

Nghiên cứu của 2 nhà khoa học có đoạn: "Chúng tôi phân tích sự phân bố về mặt thời gian của các vết tích văn hóa trên đảo Nam Áo và nhận thấy số lượng vết tích văn hóa giảm đi rõ rệt sau khi cơn sóng thần xảy ra, và giữ ở mức thấp cho tới cuối thời nhà Minh".

Mối đe dọa tương lai

Bên cạnh những phát hiện về địa chất và lịch sử, nghiên cứu này của các nhà khoa học cũng cảnh báo khả năng thảm họa tương tự sẽ xảy ra trong tương lai. Đặc biệt là khi khu vực phía nam Trung Quốc hiện là một trong những khu vực đông dân nhất thế giới.

68 triệu người đang sinh sống ở Great Bay Area, khu vực rộng 56.500 km2 phía nam Trung Quốc, nơi có các thành phố lớn như Hong Kong, Macau, Chu Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu và 6 thành phố khác thuộc tỉnh Quảng Đông.

Không chỉ đông đúc về dân cư, khu vực này còn có 7 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, và 4 nhà máy khác trong quá trình xây dựng. Sau sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản vào năm 2011, chính phủ Trung Quốc đã tạm dừng cấp giấy phép xây mới nhà máy điện hạt nhân, và thanh tra lại toàn bộ các nhà máy đang hoạt động ở khu vực.

Kết quả cho thấy rất nhiều lò phản ứng không đảm bảo các yêu cầu an toàn trong trường hợp ngập lụt hoặc động đất, và một số khác không có biện pháp đầy đủ để đối phó với sóng thần.

Song than Trung Quoc anh 2
Khu vực Greater Bay Area (Vùng vịnh lớn), nơi tập trung các thành phố và đặc khu kinh tế ở phía nam Trung Quốc. Đồ họa: Maps4news.

Các tiêu chuẩn mới đã được đặt ra, và việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân được tiếp tục, trong số này có cả kế hoạch xây dựng lò phản ứng nổi trên biển.

Hai nhà khoa học của USTC nhận định nghiên cứu của họ cho thấy nguy cơ xảy ra sóng thần ở phía nam Trung Quốc và điều này cần được lưu ý khi xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.

Nguy cơ thảm họa

Báo cáo của các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc vào năm 2007 cho thấy Rãnh nước sâu Manila là nguyên nhân chủ yếu của các nguy cơ địa chấn ở Biển Đông. Khu vực này cũng được cho là khởi nguồn dẫn đến cơn sóng thần năm 1076.

Báo cáo này có đoạn: "Sóng thần do động đất xảy ra ở khu vực rãnh sâu với các hoạt động kiến tạo mạnh và lớp vỏ trẻ của trái đất cuộn lại. Khu vực Biển Đông giáp Biển Philippines, sát Rãnh Manila là địa điểm lý tưởng cho những cơn sóng như vậy hình thành".

Các nhà khoa học cũng cảnh báo khu vực đồng bằng duyên hải Biển Đông có nền đất trung bình thấp, khiến nó cực kỳ dễ bị ảnh hưởng bởi những cơn sóng thần, dù chỉ là sóng cao vài mét.

Một số thành phố lớn trong khu vực như Hong Kong, Thâm Quyến và Chu Hải có các khu vực đất đai được hình thành do lấp biển, khiến cho thiệt hại sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu sóng thần ập tới. Các nhà khoa học cảnh báo những thành phố này sẽ đối mặt với thảm họa quy mô lớn nếu có sóng thần xảy ra, dù độ cao của cơn sóng chỉ ở mức trung bình.

Trận sóng thần ập tới Indonesia mà không được báo trước vào tháng 12/2018 gây thiệt hại nghiêm trọng ở khu vực ven biển của nước này. Bên cạnh lý do hình thành đặc biệt từ hoạt động núi lửa (chứ không phải do động đất), mức độ tàn phá ghê gớm của nó còn được giải thích bởi tình trạng tồi tệ của hệ thống cảnh báo.

Hệ thống cảnh báo sóng thần của Indonesia được ra mắt vào năm 2004 sau trận sóng thần lịch sử, nhưng sau thảm họa tháng trước, các quan chức nước này thừa nhận phần lớn hệ thống này đã không còn hoạt động kể từ năm 2012. Các biện pháp cải tạo và cập nhật đang được tiến hành.

Song than Trung Quoc anh 3
Cơn sóng thần tháng 12/2018 tại Indonesia gây hậu quả nghiêm trọng do nó ập tới mà không được báo trước, dù chỉ cao hơn một mét khi vào bờ. Ảnh: AFP.

Vào năm ngoái, Trung Quốc đã cài đặt hệ thống phát hiện hoạt động địa chấn xung quanh khu vực Rãnh Manila, đề phòng trường hợp sóng thần xảy ra trong tương lai.

Hệ thống này được các chuyên gia Trung Quốc giới thiệu là có thể phát đi cảnh báo khoảng hai giờ đồng hồ trước khi cơn sóng thần vào bờ. Khoảng thời gian này sẽ có thể cứu sống hàng triệu người, vì một trận động đất 8,5 độ xảy ra có thể tạo nên cơn sóng thần cao 10 mét như những gì đã diễn ra tại Nhật Bản năm 2011.

Thương Hồng Mai, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ Đại dương Quốc gia Trung Quốc, cho biết: "Các hệ thống cảnh báo sóng thần trước đây sử dụng số liệu địa chấn và mực nước, đưa ra dự báo dựa trên kinh nghiệm con người và sẽ có nhiều sai sót. Hệ thống mới sử dụng các mô hình giả lập số học và phao sóng thần qua đó cải thiện độ chính xác".

Mặc dù vậy, việc một loạt các lò phản ứng điện hạt nhân nằm ở khu vực duyên hải phía nam Trung Quốc sẽ là rủi ro lớn trong trường hợp sóng thần xảy ra.

Cứu vợ hay mẹ - lựa chọn nghiệt ngã trong sóng thần ở Indonesia

Trong cơn hoảng loạn, anh Udin Ahok buộc phải đưa ra một lựa chọn mà không ai muốn đối diện trong đời: cứu vợ hay cứu mẹ và đứa con bé bỏng.

Hà Nội lo thảm họa nếu 3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc rò rỉ

Trong 10 thảm họa có thể xảy ra, Hà Nội lo ngại nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ 3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc.

Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm