UBND Hà Nội vừa phê duyệt Đề án Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với TP Hà Nội. Đề án này đánh giá các rủi ro có thể trở thành thảm họa của Hà Nội và đưa ra các giải pháp, tổ chức thực hiện để giảm thiểu tối đa và xử lý khi có rủi ro trở thành thảm hoạ.
Theo đó, đề án dự báo 10 rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với quá trình phát triển của Hà Nội như vỡ đê sông Hồng, ô nhiễm nguồn nước, cháy, nổ, đổ sụp công trình, tai nạn giao thông, khủng bố, phá hoại...
Đề án này dự báo Hà Nội có thể xảy ra thảm họa nếu có sự cố từ 3 nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam của Trung Quốc dẫn đến rò rỉ phóng xạ. Theo đó, Hà Nội là một trong số các tỉnh phía Bắc sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu 3 nhà máy này có sự cố.
Bởi bụi phóng xạ có khả năng phát tán rộng làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước.
Hà Nội từng xảy ra ngập nặng do vỡ đê ở huyện Chương Mỹ. Ảnh: Minh Quân. |
Từ những dự báo trên, UBND Hà Nội giao Sở Khoa học & Công nghệ chủ trì xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa rò rỉ chất phóng xạ, sự cố hạt nhân. Bên cạnh đó, Sở tham mưu cho thành phố các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ về phòng, chống và giảm nhẹ thảm họa.
Lý giải về việc xây dựng đề án này, Hà Nội khẳng định nhiều năm qua, trên thế giới đã xảy ra nhiều thảm họa. Có thể kể đến là trận động đất mạnh 8,9 độ Richter xảy ra ở dưới biển ngoài khơi Indonesia năm 2004 khiến gần 300.000 người thiệt mạng.
Cũng phải nhớ tới vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ucraina năm 1986 làm khoảng 30 người chết, 600.000 người bị phơi nhiễm.
Hình mang tính minh hoạ. |
Tại Việt Nam, năm 1982 xảy ra vụ lật tàu ở Trảng Bom, Đồng Nai làm hơn 300 người thiệt mạng; sự cố cháy tòa cao ốc ITC tại TP.HCM năm 2002, làm thương vong hơn 100 người. Riêng thủ đô Hà Nội, năm 1971, mưa to liên tục và một cơn bão lớn khiến hệ thống đê bị vỡ, làm chết 100.000 người.
Các thảm họa khác có thể xảy ra ở Việt Nam
Vỡ đê sông Hồng; Ô nhiễm nguồn nước; Cháy, nổ, đổ sụp công trình; Tai nạn giao thông (đường sắt trên cao; hàng không); Rủi ro tại các sự kiện tập trung đông người; Dịch bệnh; Lĩnh vực thông tin, truyền thông (tấn công mạng...); Mất điện diện rộng; Khủng bố, phá hoại, rò rỉ nhà máy điện hạt nhân.