Tranh Les Demoiselles d’Avignon của Pablo Picasso. Ảnh: Singulart. |
Khi Picasso qua đời ở tuổi 91, 50 năm trước, tờ Guardian đã gọi ông là nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Ngày nay, Picasso thường được nhắc đến nhiều hơn với tư cách là một người thù ghét phụ nữ, kẻ chiếm đoạt văn hóa, là ví dụ điển hình của đàn ông da trắng làm tắc nghẽn quy tắc nghệ thuật.
Dịp hè này, Bảo tàng Brooklyn sẽ tổ chức một cuộc triển lãm có tên It's Pablo-matic (nhại từ "problematic", tức "nhiều vấn đề") do Hannah Gadsby đồng giám tuyển. Trong khi đó, tại Paris, Bảo tàng Picasso đã thuê nhà thiết kế thời trang Paul Smith để làm cho thiên tài đáng ngờ về mặt đạo đức trở nên dễ gần hơn với Gen Z.
Danh tiếng xuống dốc không phanh, nhiều người đã đặt ra câu hỏi liệu khối di sản khổng lồ Picasso để lại - 14.000 bức tranh và bản vẽ; 100.000 bản in; 24.000 hình minh họa sách; 300 mô hình và tác phẩm điêu khắc - thực sự đã bị lu mờ vì tai tiếng của tác giả đến mức này? Những quan điểm của ông có che lấp những kiệt tác như Guernica không? Cách Picasso đối xử tồi tệ với phụ nữ có nghĩa là chúng ta có thể ngó lơ những bước nhảy mang tính cách mạng đã làm thay đổi dòng chảy nghệ thuật?
Khách tham quan chiêm ngưỡng bức Guernica trong Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Reina Sofía ở Madrid. Ảnh: Peter Barritt/Alamy. |
Di sản nghệ thuật đồ sộ không thể chối cãi
Theo Adrian Searle, nhà phê bình nghệ thuật của Guardian, Picasso tựa như một nhân vật quái dị và vĩ đại trong một thiên tiểu thuyết kéo dài kỳ. Văn hóa đại chúng không thiếu những hình tượng như vậy.
Chúng ta thấy Picasso, người đối xử tàn nhẫn với phụ nữ, người nuôi dưỡng nghệ thuật của mình bằng các bộ phận cơ thể và biến những người tình thành những món đồ chơi đầy chế nhạo, những bức tranh biếm họa về sự đau khổ. Nếu không phải vì những kiệt tác nghệ thuật ông đã tạo ra, Picasso sẽ chỉ là một con quái vật đối xử tệ bạc với phụ nữ.
Mọi điều tồi tệ bạn nghe được về Picasso có thể là sự thật. Nhưng còn sự đổi mới liên tục hình thức và phong cách trong nghệ thuật thì sao? Sự phức tạp đáng kinh ngạc trong các tác phẩm? Khó khăn, cũng như niềm vui khi bóc tách tác phẩm của Picasso?
Picasso là nhân chứng cho sự hỗn loạn của thế kỷ XX. Searle cho rằng tư cách khủng khiếp của Picasso chính là một phần của sự phức tạp mà giới nghệ thuật đam mê. Và giả như ông không như vậy, chưa chắc nhân loại đã được chiêm ngưỡng những kiệt tác ấy.
Theo nghệ sĩ Aaron Curry, Picasso vẫn truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ. Picasso như một cuốn sách giáo khoa về tự do, khuyến khích người làm nghệ thuật tìm tòi và thử nghiệm. Trí tưởng tượng của Picasso được thể hiện qua những gì đôi bàn tay ông tạo nên.
Curry nói thêm: "Về cáo buộc chiếm đoạt văn hóa, tôi nghĩ công việc của một nghệ sĩ chính là lấy văn hóa và biến nó thành một thứ gì đó".
Tranh Laid bare… Reclining Nude của Picasso. Ảnh: Georgios Kefalas/EPA. |
Mở rộng góc nhìn
Nhà phê bình Eliza Goodpasture cho rằng khi xem xét tài năng của Picasso, người ta thường quên công lao của những người phụ nữ quanh ông.
Thương hiệu vĩ đại của Picasso được đặc trưng bởi độ ồn ào, quy mô, sự hài hước, sự độc đáo, tiếng tăm và giá trị gây sốc, nhưng hơn hết là bởi tính nam mạnh mẽ. Sự lầm lạc của ông nổi tiếng ngang những bức họa ông vẽ.
Bà Goodpasture nói: "Cuộc đời và nghệ thuật của Picasso được tạo nên từ công lao của những người phụ nữ: những người vợ và tình nhân của ông, những người đã chăm sóc và sắp xếp cuộc sống cho ông; và tất nhiên, cả những người mẫu và nàng thơ lấp đầy các bức tranh của ông".
Bà cho rằng những người phụ nữ này không thể đứng ở vị trí của Picasso để mà chỉ nghĩ đến không gì khác ngoài công việc. Tính triệt để khủng khiếp trong nghệ thuật của Picasso dựa trên sự coi thường bừa bãi đối với nhân tính của những người phụ nữ mà ông đã vẽ và ngủ cùng.
Ngay cả khi những “nghệ sĩ vĩ đại” khác bắt đầu bị quy trách nhiệm, Picasso vẫn giữ vững địa vị của mình là nghệ sĩ quan trọng và nổi tiếng nhất của thế kỷ XX. Nhà phê bình này nhận định: "Có vẻ như tài năng đã che lấp được sự lầm lạc".
Goodpasture cho rằng chúng ta không thể tách rời tác phẩm của Picasso khỏi cuộc đời ông và cũng không thể thoát khỏi di sản tác phẩm đồ sộ của ông. Nhưng chúng ta có thể thoát khỏi định nghĩa hạn hẹp về “vĩ đại” vốn giới hạn lịch sử nghệ thuật lại để chỉ xoay quanh những người đàn ông như Picasso.
Lisa Small và Catherine Morris, người phụ trách It's Pablo-matic tại Bảo tàng Brooklyn, thừa nhận có rất nhiều điều dễ ghét về Picasso, nhưng điều đó không có nghĩa là họ muốn "phong sát" Picasso.
Small nói: "Ảnh hưởng của ông lên toàn bộ nền văn hóa vững chắc đến nỗi sẽ thật ngu ngốc nếu chúng ta sẽ không nhắc đến tác phẩm của ông nữa".
Small và Morris cho rằng chúng ta hoàn toàn có quyền nhìn Picasso qua lăng kính phê bình của nữ quyền. Và ngay cả những nghệ sĩ ủng hộ nữ quyền, họ cũng học hỏi nhiều từ Picasso. Và cách ông ảnh hưởng đến họ, không nhất thiết là tiêu cực.
Picasso luôn vẽ những người phụ nữ mà ông gắn bó: ông nói về cuộc sống cá nhân của mình giao thoa với nghệ thuật như thế nào - nhưng các tác phẩm của ông không bị giới hạn trong cuộc đời của riêng ông. Picasso cho thấy một tác phẩm nghệ thuật là một đối tượng tách biệt với con người - nó nằm ngoài thế giới, mở ra cho mọi người giải thích.
Bản thân sự độc chiếm của Picasso và các nghệ sĩ nam trong lịch sử nghệ thuật phản ánh lịch sử nhân loại nói chung và chúng ta cần nhìn nhận và chấp nhận những chi tiết khó chịu ấy. Morris nói: "Trong 50 năm kể từ khi Picasso qua đời, các nữ nghệ sĩ và nữ sử gia nghệ thuật đã thay đổi thế giới. Picasso sẽ không nhận ra điều đó - nhưng ông ta là một phần của cuộc tranh luận dù anh ta có muốn hay không".
Mặc cho những tai tiếng đời tư của tác giả, các tác phẩm của Picasso vẫn có được đời sống của riêng mình. Theo nghệ sĩ Erika Verzutti, bất chấp tiểu sử thù ghét phụ nữ của Picasso, một số bức tranh vẽ phụ nữ của ông dường như lại tỏa ra cái nhìn coi thường đàn ông, lật ngược lại quan điểm.
Erika Verzutti nhận định: "Đôi khi, cái nhìn thay đổi và cơ thể nhân vật không còn gợi dục nữa - nó rất năng động. Tôi không thể bỏ qua mâu thuẫn đó vì nó ảnh hưởng đến công việc của tôi, nó ảnh hưởng đến mọi thứ".
Aindrea Emelife, người phụ trách tại Bảo tàng Nghệ thuật Tây Phi Edo, Lagos, Nigeria, chia sẻ: "Một trong những tác phẩm yêu thích của tôi là Massacre en Corée. Nhưng Picasso có ý nghĩa với tôi hơn là chỉ vài tác phẩm yêu thích".
Bà cho rằng cách Picasso cảm nhận về nghệ thuật truyền cảm hứng cho nhiều người. Như việc Picasso nhìn thấy vẻ đẹp và sự kịch tính trong các hình thức trừu tượng trang nhã, cũng như trong các đặc điểm khuôn mặt thon dài của những chiếc mặt nạ châu Phi cũng gợi trong ta tính hiếu kỳ, đưa ta đi tìm hiểu về nghệ thuật và thẩm mỹ châu Phi sâu hơn.
Đó là cách Picasso truyền cảm hứng. Các tác phẩm của ông có thể thúc đẩy sự tò mò đích thực trong thế giới nghệ thuật.