Picasso đã kể lại cuộc gặp gỡ với những chiếc mặt nạ mà ông xem là linh vật có ma thuật giúp con người thoát khỏi nỗi ám ảnh sợ hãi và kiểm soát. Đây cũng là thời điểm Picasso bắt đầu ý thức về việc cần tạo nên bức tranh mà ông gọi là "tranh trừ tà".
“Lang thang một mình trong cái bảo tàng ghê rợn đó, giữa đủ loại mặt nạ và búp bê của thổ dân da đỏ cùng những hình nhân bụi bặm, đó hẳn là khi ý tưởng về Những cô nàng ở Avignon đến với tôi, nó là bức tranh trừ tà đầu tiên của tôi, chắc chắn là như vậy”.
Quá trình sáng tạo bức tranh, vai trò của tác phẩm với sự nghiệp của Picasso đã được Miles J. Unger khắc họa trong cuốn sách Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt.
Nung nấu ý tưởng về một kiệt tác
Mùa xuân năm 1907, Picasso bắt đầu sáng tác Những cô nàng ở Avignon với chủ ý tạo ra một kiệt tác sẽ khiến cả thế giới phải bật dậy đứng nhìn, một tác phẩm sẽ giúp ông vượt qua Matisse và trở thành người dẫn đầu phong trào tiên phong (avant-garde).
Chân dung tự họa của Picasso năm 1907. Ảnh: Mymodernmet. |
Picasso đã có những tính toán rất cẩn thận khi bắt đầu vẽ bức tranh Những cô nàng ở Avignon. Trước khi vẽ, ông bắt đầu nghiên cứu bố cục trên các sổ ký họa, ông đã lấp kín tới 16 cuốn sổ bằng hàng trăm hình vẽ chuẩn bị. Những cuốn sổ chứa tất cả, từ những phác thảo bố cục chớp nhoáng cho đến quá trình nghiên cứu tỉ mỉ về từng chi tiết riêng lẻ.
Đây là lúc Picasso đang hoài thai một ngôn ngữ thị giác hoàn toàn mới mẻ, nên ông không xem thường hay bỏ qua bất kỳ chi tiết nào. Những cuốn sổ này đã ghi chép lại một giai đoạn đấu tranh dữ dội, thậm chí đến thống khổ của người nghệ sĩ, cho chúng ta thấy nỗ lực bền bỉ nhất ông từng dành cho một tác phẩm đơn lẻ.
Picasso báo hiệu một giai đoạn mới trong cuộc sống và trong nghệ thuật của ông bằng cách dò xét các đặc tính cá nhân của mình, đưa chúng vào những biến dạng mà ông đang muốn tạo ra trong nghệ thuật, như thể ông chỉ xác minh những thay đổi bằng cách duy nhất là thể nghiệm hình chiếu của chính mình trong chiếc gương méo mó đó.
Trong bức Chân dung tự họa với bảng màu từ một vài tháng trước đó, Picasso đã thể hiện bản thân trong một trạng thái gần như là cảnh giới của thiền định tôn giáo, “một nhà sư, một kẻ thờ phụng đơn sơ của Đức Phật trường tồn”.
Trong bức chân dung được vẽ vào đầu mùa xuân năm 1907, cặp mắt to của Picasso còn được vẽ to hơn, đồng tử được tô viền đen sẫm như chữ tượng hình Ai Cập, phần còn lại của khuôn mặt được vẽ sơ lược với vài đường quyết liệt, như ông muốn giản lược khuôn mặt mình thành một dạng mật mã, một ám hiệu vừa khẩn thiết vừa xa lạ và bí hiểm như hình tạc trên các bức tượng của ngôi đền cổ.
Nếu bức chân dung tự họa năm 1906 miêu tả một người đàn ông ở trạng thái tỉnh táo cao độ, thì bức họa năm 1907 khắc họa một người đàn ông đang ở bờ vực của sự điên rồ. Trong khoảng thời gian này ông đang phải đương đầu với căng thẳng tột độ.
Đời sống cá nhân và nghệ thuật luôn hòa lẫn với nhau, sự bực dọc hay thăng hoa tại xưởng vẽ tạo ra các mối quan hệ trong đời sống của Picasso, cũng như những tấn kịch từ đời sống mỗi ngày tác động đến hình hài tranh vẽ.
Trong thời gian này, cuộc sống của Picasso gần như đã trật khỏi đường ray. Ông mong chờ những nguy hiểm, như thể chúng sẽ kích thích trí tưởng tượng hay dẫn ông đến cõi thâm sâu vốn luôn là chiếc chìa khóa giúp mở ra nguồn cảm hứng nơi ông.
Picasso có một khả năng trong việc kiểm soát cả dục vọng lẫn nỗi đau của mình để phục vụ cho nghệ thuật. Vào thời điểm đó, mối quan hệ đang ngày càng tồi tệ của ông với Fernande cũng đem lại những cuồng nộ và sợ hãi làm nền cho bức Những cô nàng ở Avignon.
Giải phóng sự sợ hãi
Nếu trong những bức tranh của thời kỳ trước, Picasso vẫn hướng về một hình ảnh mang tính truyền thống của phụ nữ thì giờ đây, ông thấy mình được giải phóng; ông thấy mình phải xé rào và vượt qua những khuôn mẫu cũ bởi chỉ như vậy ông mới đến được nơi mình muốn đi. Với Những cô nàng ở Avignon, Picasso đã ngừng kiểm soát những bản năng xấu xa của bản thân mình, để mặc chúng thỏa sức tung hoành.
Những cô nàng ở Avignon tập trung vào tính dục. Những cô gái điếm ông khắc họa trong kiệt tác này chính là những “nữ thần ma quỷ” của Baudelaire.
Vẫn được hình tượng hóa như những cô gái điếm được khắc họa trong thời kỳ Lam (giai đoạn hội họa 1901-1904 của Picasso) nhưng họ không còn là hình mẫu hạ mình như trước. Họ là những tạo vật gần với Picasso hơn.
Bức tranh Những cô nàng ở Avignon. Ảnh: Wikiart. |
Về tổng thể, bức tranh là hiện thân của nghịch lý: nó vừa khiêu khích vừa vô hình, vừa hiếu chiến vừa lẩn tránh, giống như một võ sĩ quyền anh vừa tránh đòn vừa ra đòn trong cuộc đấu với một đối thủ có lợi thế.
Cách tiếp cận không gian mang tính cực đoan của Picasso, dựa trên nền tảng “nỗi bất an” của Cézanne và được nâng tầm lên thành một cơn khủng hoảng hiện sinh. Điều này đã mở đường cho những dịch chuyển về không gian và thời gian ông sẽ khám phá cùng Georges Braque trong vòng vài năm tiếp theo.
Dù bức tranh đã mở đường cho tư duy của trường phái lập thể sau này, nó cũng là cha đẻ của cách biểu đạt phi giới hạn, hoàn toàn độc lập với tư duy hay thậm chí với chính sự thực khách quan, nhằm truyền tải trọn vẹn những thúc giục có tính bản ngã tự nhiên của con người.
Có thể thấy Những cô nàng ở Avignon là tiếng thét tuyệt vọng, day dứt, đa nghĩa để có thể là tuyên ngôn cho bất kỳ phong trào nào, ngay cả với một phong trào có tiếng là táo bạo như trường phái lập thể.
Không dễ để gắn nhãn cho bức tranh này, bởi sự khó chịu, cơn cuồng nộ của những bản năng gốc của chúng ta, sự giận dữ phá hủy mọi rào cản và quy phạm có sẵn, mới có thể được coi là đề tài thật sự của nó.
Picasso không nhận được sự thấu hiểu từ hầu hết người được xem phiên bản đầu tiên của bức tranh, nhưng ông vẫn tiếp tục. Nếu mọi người nhìn thấy những hình người của ông xấu xí, ông sẽ bóp méo chúng hơn nữa; nếu họ phàn nàn về không gian hỗn loạn, ông sẽ tạo thêm nhiều lớp nghịch lý về thị giác.
Chính ở giai đoạn này, lần đầu tiên chúng ta bắt gặp Picasso mà lịch sử đã ghi dấu, một Picasso bướng bỉnh, hiếu chiến, đầy thách thức và không chút run sợ.
Ông đã tìm thấy con đường của mình như ông viết: “Vào thời điểm đó, tôi nhận ra đây chính là mục đích của hội họa. Hội họa không phải một hoạt động mỹ thuật; nó là một dạng bùa chú được tạo ra làm vật trung bảo giữa chúng ta với thế giới kỳ lạ và hằn học này, một cách giành lấy quyền lực thông qua việc tạo ra một hình dạng cho những nỗi sợ hãi và thèm khát của chúng ta. Khi tôi nhận ra điều này, tôi biết mình đã tìm ra con đường cho mình”.