Họa sĩ Picasso. Ảnh: Brettmann. |
Hãy nhìn kỹ vào bức tranh Woman with a Yellow Necklace của Pablo Picasso từ năm 1946. Người phụ nữ trong tranh là Françoise Gilot, người tình của Picasso lúc bấy giờ.
Theo Claire Dederer, chấm đen trên má trái người phụ nữ thoạt nhìn tưởng như nốt ruồi duyên như của Marilyn Monroe thực ra là một vết sẹo bỏng do thuốc lá để lại - dấu vết từ một cuộc cãi vã với người họa sĩ.
Picassso thường được mệnh danh là họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ XX. Với bao nhiêu bức họa tuyệt mĩ, tài năng của danh họa được công nhận rộng rãi. Dù vậy, Claire Dederer cho rằng ông cũng là một "con dê già bạo lực", có sở thích "đáng tởm" với phụ nữ trẻ. Françoise Gilot trong tranh cũng trẻ hơn Pablo Picasso đến 40 tuổi.
Tranh Woman with a Yellow Necklace. Ảnh: Gallery Of Bellagio. |
Cháu gái của Picasso - bà Marina từng viết: "Sau khi 'vắt kiệt' những người phụ nữ ấy, ông (Picasso) sẽ ruồng bỏ họ". Hai người phụ nữ đã tự tử.
Trong Monster, Claire Dederer nhận định Picasso là kiểu nghệ sĩ có những tật xấu được công chúng coi là có thể tha thứ được vì tài năng xuất chúng của ông. Dederer cho rằng chỉ có đàn ông mới được ban cho sự phóng túng này.
Cuốn sách đặt câu hỏi cho độc giả ngày nay về cách công chúng nhìn nhận người nổi tiếng, những người “đã làm hoặc nói điều gì đó tồi tệ, nhưng cũng tạo ra những tác phẩm tuyệt vời”.
Theo The Economist, đây không phải trường hợp hiếm gặp khi đời tư của người nghệ sĩ làm hoen ố tác phẩm của họ. Thường thì các nhà xuất bản, nhà sản xuất và những người gác cổng sẽ thay mặt những người này để giải quyết "scandal".
Nhiều người băn khoăn không biết đâu là ranh giới để có thể thưởng thức tác phẩm nghệ thuật nếu tác giả là một kẻ khốn, một kẻ phân biệt giới tính, đầy tật xấu...
Khi được hỏi câu hỏi này, câu trả lời thường khá cảm tính. Một là mức độ nghiêm trọng tội lỗi của các nghệ sĩ, một bản án có thể thay đổi theo thời gian. Hai là về tầm vóc của người nghệ sĩ.
Khán giả thường lấy thời gian, thời đại ra để làm hệ quy chiếu. Những vụ bê bối ngày nay một ngày nào đó sẽ trở thành lịch sử xa xưa; những nạn nhân đã chết từ lâu có thể ít hấp dẫn hơn những người còn sống.
Việc hủy hoại những kiệt tác của những nghệ sĩ đã khuất - chẳng hạn như Picasso - có vẻ như là một sự trừng phạt dành cho công chúng hơn là cho tác giả.
Dederer tưởng tượng ra một cán cân với một đầu là sức nặng của tội ác, một đầu là độ vĩ đại của nghệ thuật. Bà cho rằng nghịch lý này luôn hiển hiện trong đời sống và cho đến giờ vẫn chưa tìm được cách giải quyết thỏa đáng.
Dederer chia sẻ rằng mỗi lần bà xem phim Chinatown, bà đều nhớ đến những cáo trạng tấn công tình dục kinh hoàng mà đạo diễn Roman Polanski đã vướng phải. Đó là một vết nhơ không thể gột trôi.
Trong thời đại của mạng xã hội, chuyện riêng cũng là chuyện chung, những vết nhơ càng bám chặt.
Nhưng đồng thời, người ta cũng không thể cứ thế mà dập tắt cảm tình tự nhiên dành cho tác phẩm nghệ thuật. Chinatown của Roman Polanski vẫn thật lôi cuốn và Annie Hall của Woody Allen vẫn rất hài hước.
Dederer cho rằng chẳng có ai là một con quái vật hoàn toàn cả và trong ai cũng có một con quái vật tồn tại. Nhất là với nghệ sĩ, những người mà sự quái lạ và ích kỷ của họ là nhiên liệu cho tác phẩm của họ. Có lẽ, Dedere lập luận, câu hỏi phân định giữa nghệ thuật và nghệ sĩ không phải là một câu hỏi đích đáng.
Bà cho rằng về cơ bản, từ bỏ Picassso là một cử chỉ vô nghĩa. Bản thân nghệ thuật có tầm quan trọng riêng. Lên án những kẻ xấu cũng quan trọng. Nhưng sau cùng, phủ nhận hay hủy bỏ công lao của những người này chỉ là kiểu hành vi của anh hùng rơm. Và cuộc đấu tranh cho chính nghĩa không nên phá hủy cả những tinh hoa nghệ thuật.
Dederer viết: "Cách bạn thưởng thức nghệ thuật không quyết định bạn là người xấu hay người tốt. Bạn sẽ phải tìm được cách khác để đạt được điều đó".