Tại Mỹ, một vòm nhiệt ở nhiều nơi, kết hợp với độ ẩm cao, đã di chuyển từ phía tây sang phía đông. Vào ngày 23/6, nhiệt độ tại ít nhất 8 bang đã chạm mức 100 độ F (gần 37,8 độ C).
Ít nhất 9 mốc nhiệt độ cao đã được thiết lập hoặc bị phá vỡ, theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, theo AP.
"Tù nhân trong nhà"
Sự khó chịu tột độ của ngày 23/6 đã xảy ra sau khi 12 tiểu bang của Mỹ phá vỡ mốc 100 độ F. Kể từ ngày 15/6, ít nhất 113 trạm thời tiết tự động đã ghi nhận mức nhiệt cao chạm ngưỡng hoặc phá vỡ kỷ lục trước đó.
Các nhà khoa học cho biết việc mức nhiệt cao đến sớm có thể phản ánh dấu hiệu của biến đổi khí hậu.
Mức nhiệt cao được ghi nhận tại Atlanta (Mỹ) hôm 23/6. Ảnh: AP. |
“Có thể dễ dàng nhìn vào những con số này và quên đi nỗi thống khổ cùng cực mà chúng phản ánh. Những người không đủ tiền để chi trả cho điều hòa và những người làm việc ngoài trời chỉ có một lựa chọn là phải chịu đựng”, Andrew Dessler, nhà khoa học khí hậu của Texas A&M, nói.
"Với điều hòa không khí, nhiều người trong chúng ta có thể không chịu đau khổ về thể chất, nhưng chúng ta là những tù nhân trong nhà”, ông nói thêm.
Tại thành phố Macon, Georgia (Mỹ), nhiệt độ tăng từ 17,8 độ C lên 40,6 độ C chỉ trong 9 giờ hôm 22/6. Sau đó, vào ngày 24/6, nhiệt độ cao nhất trong ngày đã đạt 40 độ C.
Có lẽ chỉ có Tây Bắc và Đông Bắc của Thái Bình Dương là không có đợt nắng nóng, nhà khí tượng Marc Chenard của Trung tâm Thời tiết Quốc gia Mỹ, cho biết. Hàng loạt bang ở Mỹ cũng đều đạt mức nhiệt cao vượt 100 độ F.
Không ăn ngủ để theo dõi các kỷ lục nhiệt
“Điều đó diễn ra thật bền bỉ. Đã hơn một tuần và nó sẽ tiếp tục ở một số hướng”, ông Chenard nói. Và mức nhiệt cao như vậy không chỉ diễn ra ở Mỹ.
Theo Maximiliano Herrera, người theo dõi thời tiết cực đoan toàn cầu, thành phố Norilsk của Nga, phía trên vòng Bắc Cực, ghi nhận mức nhiệt 89,6 độ F (32 độ C) vào ngày 23/6. Đây được ghi nhận là ngày nóng nhất trong bất kỳ tháng nào.
Một số khu vực của Nhật Bản cũng ghi nhận tháng 6 nóng kỷ lục, trong khi nhiệt độ ở Turpan, Trung Quốc, đạt 46,5 độ C. Nhiệt độ ở Saragt (Turkmenistan) đã tăng lên 114,6 độ F (45,9 độ C), nhưng ông Herrera cho biết trong những ngày tới, nhiệt độ có thể còn tồi tệ hơn.
Ông Herrera cho biết việc theo dõi các hồ sơ nhiệt độ khiến ông không có thời gian để ăn hay ngủ. Bên cạnh đó, một đợt nắng nóng ở châu Âu cũng đã gây ra các vấn đề về hỏa hoạn ở Đức và Tây Ban Nha.
Một máy bay đang giúp dập tắt đám cháy tại San Martin de Unx ở miền Bắc Tây Ban Nha vào ngày 19/6. Ảnh: AP. |
Giáo sư khí tượng học Victor Gensini của Đại học North Illinois (Mỹ) cho biết những gì đang xảy ra với đợt nắng nóng sớm này “nhất quán với những gì chúng ta lường trước trong một thế giới liên tục nóng lên”.
“Mức nhiệt này đang xảy ra khi sự ấm lên toàn cầu chỉ ở ngưỡng 1,1 độ C ”, ông Dessler nói, đồng thời dự đoán thế giới có thể sẽ ấm lên 2,2 độ C trong thế kỷ này.
"Tôi thực sự không thể tưởng tượng được điều đó sẽ tồi tệ như thế nào”, ông nói.
Ở Raleigh, Bắc Carolina (Mỹ), nhiệt độ chạm mốc 100 độ F vào ngày 22/6 và thành phố thường chỉ đạt mức nhiệt này một ngày mỗi năm, vốn xảy đến muộn hơn nhiều so với đợt này, nhà khí hậu học Kathie Dello cho biết.
“Ở Đông Nam nước Mỹ, nhiều người khó tiếp cận với hệ thống làm mát ổn định hoặc không thể chi trả để sử dụng hệ thống làm mát trong gia đình. Bệnh tật và tử vong do nắng nóng là một trong những rủi ro sức khỏe cộng đồng lớn nhất của chúng ta trong điều kiện khí hậu thay đổi”, vị này nói.
Ông Chenard cho biết có thể sẽ có một số đợt hạ nhiệt ở vài nơi của nước Mỹ. Tuy nhiên, ông dự đoán có khả năng toàn bộ mùa hè sẽ nóng hơn bình thường.