Mùa hè phía tây nước Mỹ đang có một khởi đầu kinh hoàng. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt đang tàn phá nhiều tiểu bang.
Tại Montana, lũ lụt chưa từng có trong lịch sử tàn phá các cộng đồng, cơ sở hạ tầng trong và xung quanh công viên quốc gia Yellowstone. Các hồ chứa nước tại phía nam nước Mỹ đang dần cạn đáy, theo Guardian.
Sóng nhiệt vượt mức 40 độ C khiến hàng triệu người phải sống trong cảnh ngột ngạt. Cháy rừng lan rộng trên các bang Arizona, New Mexico, Alaska và California.
Khi nhiệt độ tiếp tục tăng, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ không chỉ tăng lên, chúng có nhiều khả năng chồng chéo lên nhau, gây ra thảm họa rất khủng khiếp.
Cánh rừng bị thiêu rụi tại bang New Mexico, Mỹ. Ảnh: AP. |
Thử thách giới hạn nước Mỹ
“Mỹ có một số khả năng nhất định để đối phó với các sự kiện thiên nhiên cực đoan”, Andrew Hoell, nhà khí tượng học tại Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), nói.
Lũ lụt, hạn hán và cháy rừng luôn xảy ra trên khắp miền Tây nước Mỹ. Sẽ mất nhiều thời gian để các nhà khoa học tìm ra mối liên hệ chính xác giữa các sự kiện như lũ lụt tại Yellowstone và biến đổi khí hậu. Nhưng rõ ràng trong một thế giới đang nóng lên, các sự kiện vốn xảy ra thường xuyên có nhiều khả năng trở thành thảm họa tồi tệ.
“Điều này được gọi là cộng hưởng cực đoan. Những sự kiện thời tiết bất thường chồng chéo đang tăng dần”, Hoell nói. Lũ lụt tại Yellowstone là một trong những sự kiện như thế.
Thời tiết ấm lên đã làm tuyết tan vào các con sông, kéo theo một trận lũ lụt tràn vào rừng quốc gia. Theo CNN, mưa lớn kết hợp tuyết tan khiến khu vực Yellowstone nhận được lượng nước tương đương ba tháng mưa mùa hè chỉ trong vòng ba ngày.
Các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) và hai trường đại học đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng những thảm họa như thế ngày càng có khả năng xảy ra.
Cơ quan này đã công bố một báo cáo về cách biến đổi khí hậu có thể đe dọa đến vườn quốc gia Yellowstone. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng nhiệt độ trung bình có thể tăng tới 5,5 độ C trong những thập kỷ tới. Khu vực này nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với những đợt hạn hán nghiêm trọng và những trận mưa lũ dữ dội.
Nước lũ trên sông Gardner khiến đường vào rừng quốc gia Yellowstone bị sạt lở. Ảnh: Reuters. |
“Với nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng, khả năng hạn hán nhiều hơn và cường độ bão tăng lên có thể sẽ xảy ra. Nhiều hơi nước bốc hơi vào khí quyển sẽ trở thành nhiên liệu cho những cơn bão mạnh”, các nhà khoa học tại USGS viết trong báo cáo.
Trận lũ lụt chưa từng có và đột ngột vào đầu tuần trước tại thành phố Billings, Montana đã làm đổ cột điện, hệ thống giao thông thiệt hại nghiêm trọng. Các quan chức buộc phải đóng cửa nhà máy xử lý nước, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.
“Không ai lên kế hoạch đối phó với đợt lũ lụt lớn nhất trong vòng 500 năm khi thiết kế các cơ sở này”, Debi Meling, giám đốc công trình công cộng của thành phố, cho biết. Hiện thành phố chưa ghi nhận báo cáo về người bị thương hoặc thiệt mạng.
“Chúng ta chắc chắn biết rằng biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều thảm họa tự nhiên hơn. Lũ lụt, cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn”, Robert Manning, giáo sư môi trường và tài nguyên thiên nhiên đã nghỉ hưu của Đại học Vermont, nhận định.
Nắng nóng khắc nghiệt
Ba năm liên tiếp nước Mỹ phải hứng chịu tình trạng điều kiện nắng nóng cực đoan. Theo giám sát hạn hán của Mỹ, khoảng 44% miền Tây nước này được phân loại “hạn hán khắc nghiệt”.
Các sườn đồi nứt nẻ và nguồn nước thiếu hụt sẽ có tác động mạnh đến hệ nông nghiệp, sinh thái và công nghiệp. Mùa hè và mùa thu tại miền Tây nước Mỹ nhiều khả năng không có mưa.
Điều này sẽ khiến các vụ cháy rừng xảy ra thất thường và khó giải quyết hơn. Các bang phía tây nam bị ảnh hưởng bởi hàng chục vụ hỏa hoạn vào mùa xuân vừa qua. New Mexico đã phải đối mặt với đám cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử bang.
Theo Trung tâm Cứu hỏa Liên ngành Quốc gia Mỹ, gần 1 triệu ha rừng đã bị thiêu rụi trên khắp nước Mỹ trong năm nay, nhiều gấp đôi năm ngoái và cao hơn 128% so với mức trung bình 10 năm qua.
Cháy rừng dữ dội tại Wrightwood, California. Ảnh: Reuters. |
Cháy rừng, hạn hán và lũ lụt là những hiện tượng riêng biệt. Nhưng khi chúng xảy ra một cách chồng chéo, thảm họa sẽ có sức tàn phá mạnh gấp nhiều lần. Các nhà khoa học cho biết sự kiện thời tiết này đang xảy ra thường xuyên hơn và biến đổi khí hậu là thủ phạm chính.
“Đây là ba hiện tượng thiên nhiên cực kỳ phù hợp với những suy nghĩ của chúng ta về biến đổi khí hậu. Bầu không khí ấm lên sẽ giữ được nhiều hơi nước hơn. Điều này sẽ làm hạn hán thêm trầm trọng và tạo tiền đề hình thành những cơn bão mạnh”, Karen McKinnon, giáo sư tại Đại học California, Los Angeles, giải thích.
Ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng
Nhiệt độ cao cũng là một mối đe dọa chết người. Hàng triệu người trên khắp nước Mỹ phải đối mặt với tình trạng nhiệt độ không giảm vào ban đêm, gia tăng nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo một cuộc điều tra của Los Angeles Times vào năm ngoái, các trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng tại California có thể cao gấp sáu lần so với thống kê chính thức.
“Những gì chúng ta đang chứng kiến sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và liên tiếp phá vỡ kỷ lục được ghi nhận. Điều này xảy ra là vì nhiệt độ ngày càng ấm lên”, McKinnon nói.
Các nhà khoa học cho biết sóng nhiệt cũng đang gia tăng về quy mô và tần suất. Khoảng 100 triệu người Mỹ đã phải vật lộn với nhiệt độ cao nguy hiểm vào tuần trước, khi một đợt nắng nóng bao phủ lên đất nước.
Thảm họa phức tạp khiến các nguồn lực phải hoạt động liên tục. Các cơ quan phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự cứu hỏa và hạn chế sử dụng nước.
Patrick Roberts, một nhà khoa học chính trị tại Tập đoàn RAND, cho biết nước Mỹ đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc đối phó với các thảm họa thời tiết, nhưng đồng thời có rất nhiều việc phải làm.
Bang California đang rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Reuters. |
“Covid-19 đã cho người Mỹ trải nghiệm về tình trạng khẩn cấp quốc gia. Mặc dù đại dịch rất nghiêm trọng nhưng nó đã giúp hệ thống hóa khả năng phản ứng của nước Mỹ với một sự kiện không giới hạn về địa lý”, ông nói.
Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học Xây dựng Quốc gia Mỹ vào năm 2019, 1 USD chi cho việc thích ứng với các sự kiện thời tiết cực đoan sẽ giúp giảm thiểu 6 USD thiệt hại trong các thảm họa trong tương lai.
Năm ngoái, Mỹ đã chi 145 tỷ USD để ứng phó với các thảm họa thiên nhiên và phải đối mặt với 20 sự kiện cực đoan có thiệt hại hơn một tỷ USD. Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) đang chuẩn bị cho những sự kiện xảy ra trong năm nay và những năm tiếp theo. Cơ quan này đã yêu cầu 19,7 tỷ USD cho quỹ cứu trợ thảm họa năm 2023.
“Khí hậu thay đổi là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà nước Mỹ phải đối mặt. Thiên tai trở nên thường xuyên và có sức tàn phá lớn hơn. Sứ mệnh của chúng tôi không thay đổi, nhưng môi trường chúng tôi hoạt động thì có”, Deanne Criswell, người đứng đầu FEMA, cho biết.