Giữa làn sóng Covid-19 thứ tư, Việt Nam đang gấp rút triển khai chiến dịch tiêm chủng trên cả nước. Trong khi đó, cả hai thành phố lớn là thủ đô Hà Nội và TP.HCM đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Trả lời Zing qua email, ông James Trauer - giáo sư thống kê sinh học tại Đại học Monash, Australia - nhận định rất khó để dự đoán đỉnh dịch tại Việt Nam, do kết quả còn phụ thuộc vào các phương án mà chính phủ thực hiện.
Ông cho rằng thành công chống dịch Covid-19 trong quá khứ của Việt Nam là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đây cũng đồng nghĩa với việc phần lớn dân số Việt Nam hiện chưa có miễn dịch tự nhiên hay miễn dịch nhờ vaccine trước Covid-19, vì tỷ lệ người dân được tiêm đủ hai mũi vẫn ở dưới mức 1%.
Trong khi đó, biến chủng Delta lại có khả năng lây lan nhanh chóng.
“Biến chủng Delta đã thay đổi cuộc chơi trên toàn thế giới. Các quốc gia trước đây có thể kiểm soát Covid-19 một cách hiệu quả, ví dụ như thông qua truy vết ca tiếp xúc gần, thì hiện lại đang gặp khó khăn”, giáo sư Trauer nói với Zing.
Ông cho rằng nếu Việt Nam thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phong tỏa, trong khi đẩy mạnh tiêm chủng cho người dân, đặc biệt là tiêm chủng cho tất cả người cao tuổi, có nguy cơ cao... Nếu những người trong nhóm nguy cơ cao nhận được ít nhất 1 mũi tiêm trước khi phơi nhiễm virus, hàng nghìn người có thể được cứu sống.
TP.HCM trở thành tâm dịch của Việt Nam trong làn sóng Covid-19 thứ 4. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tình hình dịch ở Việt Nam rất khác biệt
Chuyên gia của Đại học Monash cho biết tình hình dịch Covid-19 ở các quốc gia châu Á mà ông nghiên cứu hoàn toàn khác so với Việt Nam.
Ví dụ, tại Philippines, người dân phần nào được bảo vệ trước đợt bùng phát nghiêm trọng này, bởi trước đó các ca lây nhiễm cộng đồng đã liên tục tăng lên trong vòng 18 tháng.
"Vì vậy, người dân Philippines phần nào có được khả năng miễn dịch tự nhiên", ông Trauer nói.
Còn tại Malaysia, tốc độ tiêm chủng ở đây tương đối nhanh, khoảng 400.000 mũi/ngày. Chính phủ Malaysia ngày 26/7 thông báo nước này đạt kỷ lục chủng ngừa trong vòng một ngày với gần 522.000 liều được sử dụng, vượt xa mức gần 400.000 một ngày trước đó. Tuy nhiên, quốc gia này hiện vẫn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế do số ca bệnh tăng nhanh chóng mặt.
Ở Ấn Độ vào thời kỳ đỉnh dịch, về cơ bản, năng lực xét nghiệm bị quá tải và không thể biết chính xác có bao nhiêu ca bệnh tại thời điểm đó.
Ngay cả với năng lực xét nghiệm tốt hơn, điều này cũng có thể xảy ra với Việt Nam, ông Trauer nói.
Tại Việt Nam, biểu đồ số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM - nơi dịch bùng nghiêm trọng nhất - đang đi ngang trong một tuần, với tổng số ca vượt 100.000. Số ca mắc mới ở TP.HCM dao động ở mức trên 4.000 người mỗi ngày. Tuy nhiên, đồ thị ca mắc tại các tỉnh xung quanh TP.HCM có chiều hướng tăng, trong đó, Bình Dương tăng 657 ca so với ngày 2/8, Long An cũng tăng đến 121 ca.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch bùng phát ngày 27/4 đến nay là 166.296, trong đó có 48.057 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Người cao tuổi là đối tượng dễ có triệu chứng nặng nếu mắc Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cần áp dụng các biện pháp quyết liệt
Chuyên gia của Đại học Monash nhận định nếu Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan với tốc độ hiện nay, có khả năng Việt Nam sẽ không thể chuẩn bị đầy đủ nguồn lực y tế cho số ca bệnh tại đỉnh dịch. Điều này đã xảy ra ở nhiều nơi khác trên thế giới.
“Với tình hình hiện tại, nếu các biện pháp quyết liệt không sớm được áp dụng, có thể Việt Nam sẽ ghi nhận thêm vài tuần có số ca bệnh mới gấp đôi như vậy nữa”, chuyên gia của Đại học Monash nói.
Giáo sư Trauer nhấn mạnh biện pháp quan trọng hiện nay là áp đặt lệnh phong tỏa trong khi vẫn triển khai đồng thời chương trình tiêm chủng, nhằm đạt mục tiêu tiêm phòng cho phần đông dân số trong những tháng tới.
Với tỷ lệ người dân được tiêm đủ hai mũi vaccine hiện ở mức 1,02% dân số, chuyên gia này cho rằng chiến dịch tiêm chủng chưa được triển khai nhanh chóng.
Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 trên cả nước. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cụ thể, tính đến ngày 3/8, Việt Nam đã tiêm mũi thứ nhất cho 5,5 triệu người, trong khi số người nhận đủ hai mũi tiêm là hơn 712.000, theo thông tin từ Bộ Y Tế.
Theo giáo sư Trauer, do số ca tử vong tập trung ở nhóm người cao tuổi, nên nếu chính phủ có thể làm chậm đỉnh dịch để tất cả người dân Việt Nam trên 80 tuổi kịp tiêm ít nhất một liều vaccine, vẫn có khả năng cứu sống hàng nghìn người.
"Điều quan trọng là phần lớn dân số cao tuổi cần được tiêm phòng trước khi họ tiếp xúc với virus", chuyên gia này nhấn mạnh.
"Chính phủ cần phải thực hiện các bước phòng dịch cực kỳ nghiêm ngặt để làm chậm quá trình lây lan của virus. Điều này có thể cứu sống hàng nghìn người nếu đỉnh dịch chững lại cho đến khi một tỷ lệ đáng kể dân số được tiêm chủng", ông nói thêm.