Ông Đỗ Hùng Việt, trợ lý chủ tịch Hội nghị Quan chức Cao cấp (SOM) APEC 2017, cho biết trong phiên họp sáng 29/8, các quan chức đã tiến hành rà soát công việc ở tất cả ủy ban, đặc biệt là 4 ủy ban lớn về thương mại đầu tư, kinh tế, quản lý ngân sách và hợp tác kinh tế kỹ thuật.
Các quan chức đã nghe báo cáo của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC). Tiếp đó, Ủy ban Kinh tế APEC cho biết những thông tin cập nhật về dự thảo báo cáo chính sách kinh tế về cải cách cơ cấu và phát triển nguồn nhân lực. Đây là báo cáo sẽ được trình lên hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp tại Tuần lễ Cấp cao APEC sắp tới.
Ông Đỗ Hùng Việt cung cấp thông tin về phiên họp sáng 29/8 của SOM 3. Ảnh: Tùng Tin. |
Ông Việt cho hay các đại biểu cũng đã nghe báo cáo của Ủy ban Thương mại và Đầu tư APEC. Ủy ban đã đề xuất 2 văn kiện quan trọng: một là khuôn khổ thương mại điện tử xuyên biên giới mà Việt Nam đã chủ trương thúc đẩy trong thời gian qua; và hai là bộ thông lệ điển hình về phát triển công nghiệp hỗ trợ các nền kinh tế thành viên APEC.
"Đây là hai văn kiện lớn mà chúng tôi hy vọng chiều nay sẽ có tin tốt lành liên quan đến hai văn kiện này", ông Việt nói, đồng thời cho biết trong buổi chiều các quan chức sẽ tiếp tục thảo luận về các sáng kiến, đề xuất khác để chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao vào tháng 11.
Hội nghị Quan chức Cấp cao APEC lần thứ 3 (gọi tắt là SOM 3) đã khai mạc sáng 29/8 tại TP.HCM với sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, người giữ vai trò chủ tịch SOM APEC 2017. Đại biểu từ 21 nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham dự hội nghị.
SOM 3 đánh dấu 2/3 chặng đường của Năm APEC 2017 mà Việt Nam là chủ nhà. Đây là hội nghị quan trọng cuối cùng nhằm chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11. Trước đó, các hội nghị SOM 1 và SOM 2 đã được lần lượt tổ chức tại Nha Trang và Hà Nội.
Qua 27 năm hình thành và phát triển kể từ 1989, APEC tiếp tục khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tập trung vào 3 trụ cột hợp tác chính: tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; và hợp tác kinh tế - kỹ thuật.